Ngày 21/4 hàng năm được Liên Hợp Quốc (UN) chọn làm Ngày Sáng tạo và Đổi mới toàn cầu (The World Creativity and Innovation Day) nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội bền vững và thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của con người. Chủ đề hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới toàn cầu năm 2025 là: “Đổi mới sáng tạo - Nghĩ khác, Làm khác để tốt hơn”; “Đổi mới sáng tạo - Doanh nghiệp tiên phong - Quốc gia thịnh vượng”; “Đổi mới sáng tạo toàn dân - Chuyển đổi số toàn diện - Vì cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, với Việt Nam, Ngày Sáng tạo và Đổi mới toàn cầu 21/4 không chỉ là ngày của nhà khoa học hay doanh nghiệp công nghệ mà là ngày để tôn vinh tư duy sáng tạo của mọi người trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, khuyến khích tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới” trong toàn xã hội, kết nối sáng tạo và đổi mới với phát triển bền vững.

Lễ hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới toàn cầu năm 2025
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đổi mới sáng tạo cho phép sáng tạo trong điều kiện hạn chế, rất phù hợp với bối cảnh của các nước đang phát triển. Hiện mức chi cho khoa học công nghệ của các nước đang phát triển thấp nên cần lấy đổi mới sáng tạo làm đòn bẩy. Nếu chỉ dựa vào khoa học công nghệ hàn lâm, các nước đang phát triển sẽ không theo kịp các nước phát triển. Đổi mới sáng tạo cũng cho phép tận dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển (R&D) từ nơi khác, rồi cộng với đổi mới mô hình, tổ chức, nội địa hóa sản phẩm.
Đổi mới sáng tạo không cần đầu tư các phòng lab mà cần tư duy đổi mới và văn hóa đổi mới. Đây chính là con đường khả thi hơn cho các nước chưa đủ tiềm lực nghiên cứu sâu nhưng có năng lực tổ chức, thích nghi và sáng tạo xã hội. Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra, đổi mới sáng tạo là chìa khóa để các nước đang phát triển thoát bẫy thu nhập trung bình...
Chúng ta cần tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mà ở đó, doanh nghiệp có thể cải tiến sản phẩm phù hợp với thị trường trong nước, người dân có thể sáng tạo trong điều kiện thực tế của mình, Nhà nước hỗ trợ môi trường, thể chế và động lực để đổi mới sáng tạo không bị cản trở mà được khơi thông và lan tỏa, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Để hiện thực hóa mục tiêu biến đổi mới sáng tạo thành lối sống, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã được giao nhiệm vụ xây dựng đề án Quốc gia khởi nghiệp với trọng tâm là hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo trong toàn dân. Điều này bao gồm việc khuyến khích tư duy khám phá, chấp nhận thất bại như một phần của quá trình sáng tạo và tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mà ở đó mọi ý tưởng đều có cơ hội được hiện thực hóa.
Phát biểu tại sự kiện, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết, nền kinh tế số của Việt Nam hiện chiếm 18,3% GDP, tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở Đông Nam Á. Gần như tất cả công dân đều được phủ sóng băng thông rộng và 5G đang phát triển nhanh chóng.
Bà Pauline Tamesis nhấn mạnh, hãy cùng nhau đón nhận một văn hóa nơi đổi mới và sáng tạo trở thành lối sống của các cá nhân và tổ chức. Điều này có nghĩa là tạo ra môi trường nơi các ý tưởng mới được khuyến khích, sự sáng tạo được tôn vinh và tư duy đổi mới được tích hợp vào các thực hành hàng ngày. Bằng cách làm như vậy, chúng ta có thể đảm bảo rằng tinh thần đổi mới thấm nhuần mọi khía cạnh của cuộc sống, thúc đẩy tiến bộ và làm phong phú cộng đồng của chúng ta.