Theo đó, ngày 28/10/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các giải pháp bảo đảm cung ứng điện năm 2024.
Để đảm bảo cung ứng đủ điện cho các tháng cuối năm 2023, năm 2024, Thường trực Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, cơ quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Giải pháp về nguồn điện, về nguồn nhiệt điện: về các giải pháp bảo đảm nguồn than cho các nhà máy nhiệt điện: Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp – Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị có liên quan phối hợp tính toán, xác định nhu cầu và kế hoạch cung ứng đủ than cho sản xuất điện năm 2024. Trên cơ sở đó, TKV, Tổng công ty Đông Bắc chủ động, tích cực triển khai ngay các giải pháp tổ chức sản xuất, khai thác tối đa nguồn than trong nước để cung cấp đủ than cho sản xuất điện năm 2024, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ không để xảy ra thất thoát, tiêu cực, lợi ích nhóm.
ư
Tổ chức sản xuất, khai thác tối đa nguồn than trong nước để cung cấp đủ than cho sản xuất điện năm 2024
Đối với đề xuất khai thác vượt công suất 15% sản lượng của TKV: giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, TKV và các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết dứt điểm theo thẩm quyền và quy định pháp luật trong tháng 11 năm 2023. Trường hợp có vướng mắc, vượt thẩm quyền, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì xử lý, dứt khoát không để vướng mắc ảnh hưởng đến việc khai thác, cung ứng than phục vụ sản xuất điện hàng năm.
Các giải pháp bảo đảm vận hành tối đa công suất các nhà máy nhiệt điện: chủ đầu tư các nhà máy điện than trong cả nước, đặc biệt là tại miền Bắc cần có kế hoạch kiểm tra, sửa chữa, bảo trì phù hợp, chuẩn bị tốt các điều kiện để bảo đảm sản xuất điện an toàn, ổn định theo kế hoạch vận hành và huy động phát điện của cơ quan có thẩm quyền, hạn chế tối đa các sự cố tổ máy trong những tháng cao điểm.
Về nguồn thủy điện: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp căn cứ thẩm quyền chỉ đạo EVN, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) và các đơn vị có liên quan chỉ đạo điều hành linh hoạt tích giữ, sử dụng nước phù hợp với tình hình thực tế trên nguyên tắc chủ động xây dựng kế hoạch tích nước sớm các hồ thủy điện, đặc biệt là hồ thủy điện chiến lược đa mục tiêu miền Bắc và tiếm kiệm giữ mực nước bảo đảm khai thác tối đa công suất phát điện vào thời gian cao điểm mùa hè (thường là vào tháng 5, tháng 6 hàng năm) và có tính toán dự phòng cao nhất trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024.
Các chủ sở hữu hồ, đập, thủy điện chủ động phối hợp với địa phương xây dựng kế hoạch chuẩn bị nước cho sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu phụ thuộc vào lượng nước xả từ các hồ; tiết kiệm tối đa nguồn tài nguyên nước.
Về nguồn năng lượng tái tạo: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng chưa được ký hợp đồng mua bán điện để tận dụng khai thác tối đa các nguồn điện có sẵn, tránh lãng phí trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, công khai, minh bạch, không tiêu cực, lợi ích nhóm.
Bộ Công Thương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, làm việc với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 để đưa vào Nghị quyết nội dung giao Chính phủ quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát triển từ năng lượng tái tạo với khách hàng lớn và cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái đối với nhà ở, công sở và khu công nghiệp tự sản tự tiêu. Tham mưu Chính phủ có văn bản chính thức gửi Quốc hội. Trên cơ sở đó, thống kê, tổng hợp báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trước ngày 10/11/2023 các dự án nguồn điện có vướng mắc về pháp lý, kỹ thuật mà chưa được đưa lên lưới hoặc được đưa lên lưới nhưng không sử dụng hết công suất, có giải pháp để tránh lãng phí tài sản nhà nước, doanh nghiệp.
Về nhập khẩu điện: EVN chủ trì cùng PVN, TKV và các cơ quan liên quan tính toán, cân đối sử dụng tối đa các nguồn điện trong nước, trường hợp cần thiết có thể tính toán phương án mua điện trực tiếp từ Lào, Trung Quốc nhưng phải chủ động sớm dự báo chính xác.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng điện năm 2024
Về nguồn điện than BOT: Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN thống kê lại các dự án BOT chậm tiến độ so với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để có nguồn thay thế bổ sung phù hợp, xử lý dứt điểm vấn đề này trước ngày 15/11/2023. Quá hạn theo quy định thì dứt khoát đưa ra khỏi quy hoạch, hoặc chấm dứt hợp đồng.
Về truyền tải điện: Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND các tỉnh, thành phố có liên quan (còn vướng mắc đất rừng, đất lúa thì Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cùng các Bộ, ngành, địa phương xử lý kịp thời, không chậm trễ), EVN triển khai các nhiệm vụ được nêu tại Thông báo kết luận số 440/TB-VPCP ngày 26/10/2023 để thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công. Đồng thời khẩn trương nghiên cứu, triển khai các dự án truyền tải theo quy hoạch để nâng cao năng lực của hệ thống truyền tải điện quốc gia, kịp thời ứng phó trong mọi tình huống cung ứng điện. Quyết liệt hoàn thành đường tải điện mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối trước tháng 6 năm 2024.
Về tiêu thụ và tiết kiệm điện: Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tập đoàn EVN, TKV, PVN và các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, tích cực hơn nữa Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện, Quyết định số 279/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/3/2018 phê duyệt Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030.
Về giá điện: Thường trực Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 cho phù hợp với tình hình thực tế. Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg và quy định pháp luật có liên quan trên cơ sở đánh giá đầy đủ tác động, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, mục tiêu kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế; nghiên cứu có chính sách, giải pháp phù hợp hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách và các đối tượng yếu thế theo quy định của pháp luật. Thực hiện thật tốt, hiệu quả, kịp thời công tác thông tin, truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội và phải quyết định theo thẩm quyền, không giao quá nhiều và bàn khi đã có nguyên tắc xử lý.
Thường trực Chính phủ yêu cầu EVN chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tiếp thu các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ nêu trên, hoàn thiện Kế hoạch cung ứng điện năm 2024 và các năm tiếp theo bảo đảm vận hành đồng bộ, hiệu quả, tuyệt đối không để thiếu điện trong mọi trường hợp, trình Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo thẩm quyền và phê duyệt, hoàn thành trong tháng 11 năm 2023.