Kinh tế xanh

Kết nối doanh nghiệp kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp

Thứ tư, 16/2/2022 | 08:59 GMT+7
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Ngoại giao đã phối hợp tổ chức diễn đàn Kết nối doanh nghiệp kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp.

Đây là diễn đàn đầu tiên của ngành nông nghiệp với đội ngũ kiều bào đang đầu tư trong và ngoài nước, nhằm tri ân sự hỗ trợ và đồng hành của bà con kiều bào với ngành nông nghiệp trong thời gian qua. Diễn đàn có sự tham gia của trên 300 kiều bào đang làm ăn, sinh sống, đầu tư trong và ngoài nước thuộc nhiều lĩnh vực cùng hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Hiện hàng hóa, nông lâm thuỷ sản của Việt Nam đã xuất khẩu trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển mình theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ngành nông nghiệp tập trung phát triển các chuỗi giá trị nông sản mà trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm để kết nối các hộ nông dân nhỏ, hợp tác xã với chuỗi giá trị toàn cầu.

Có được kết quả này một phần là nhờ khoảng 3.500 dự án, doanh nghiệp do kiều bào thành lập hoặc góp vốn tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký lên đến 11 tỷ USD, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.

Đông đảo kiều bào Việt tham gia diễn đàn Kết nối doanh nghiệp kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, những kiều bào ở khắp nơi trên thế giới là những người hiểu biết tường tận văn hóa, lịch sử, tập tục, nhu cầu, yêu cầu, tiêu chuẩn của nước sở tại. Chúng ta phải bán những thứ thế giới cần chứ không phải bán những thứ chúng ta có. Bộ trưởng nhấn mạnh, qua những phương tiện truyền thông, thông tin, chúng ta có thể gặp gỡ, trao đổi bất kể sự chênh lệch về thời gian và khoảng cách. Việc bà con kiều bào đem ý tưởng từ những nước tinh hoa, những nước đã có nền nông nghiệp hiện đại về Việt Nam, cho dù chỉ là một sáng kiến nhỏ cũng là thể hiện lòng yêu nước.

Năm 2022, Bộ NN&PTNT muốn truyền tải đi thông điệp “Tư duy mở - Hành động nhanh - Kết quả thật”. Không chỉ trong nước, Bộ sẽ mang thông điệp đó mở ra cộng đồng người Việt trên toàn thế giới và nhờ cộng đồng lan tỏa ra các nước sở tại.

Để làm được điều này, Bộ trưởng cho rằng, cần phải làm điều mới mẻ, mạnh mẽ hơn; cần nhanh chóng tích hợp những ý kiến tâm huyết của cộng đồng kiều bào, đồng thời phải có tư duy mới của những quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại với sự thấm nhuần của bà con kiều bào kết hợp với sự thay đổi trong nước phù hợp.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Thái - Việt Nam Hồ Văn Lâm kiến nghị, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung thúc đẩy đàm phán thương mại song phương và đa phương với các thị trường tiềm năng để phá bỏ hàng rào kỹ thuật, chính sách bảo hộ. Từ đó, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nông sản Việt Nam theo đường chính ngạch. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại nông sản Việt Nam để người sở tại biết về nông sản Việt Nam, từ đó nâng cao nhu cầu tiêu thụ sản phẩm.

Hơn nữa, cần quan tâm đầu tư vào việc bảo quản và chế biến biến nông sản đáp ứng thị hiếu, nhu cầu và tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa nông sản của từng thị trường. Thúc đẩy việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý đối với nông sản Việt.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Thái - Việt Nam Hồ Văn Lâm phát biểu tại diễn đàn

Giới thiệu các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lớn, uy tín về các mặt hàng thế mạnh của nông sản Việt, tạo thuận lợi cho hoạt động kết nối thương mại giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tổ chức các chương trình cho doanh nghiệp, người Việt Nam ở nước ngoài về nước tìm hiểu các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam, tham quan cơ sở sản xuất, chế biến nông sản xuất khẩu chủ lực...; cung cấp thông tin về các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.

Theo ông Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA), ngành nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn nhất định như: sản xuất nhỏ, phân tán, không tập trung, chưa đáp ứng được các thị trường khó tính ở nước ngoài; chịu tác động của biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19; chưa đột phá mạnh trong ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế để có các sản phẩm cạnh tranh trên thị trường. Do đó, thông qua cộng đồng kiều bào tại các nước phát triển như: Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản… những tinh hoa, tiến bộ trong phát triển ngành nông nghiệp sẽ được chắt lọc, tiếp thu và triển khai phù hợp với thị trường Việt Nam.

Phương An (T/H)