Ngày 27/3, Sở Công Thương TPHCM phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức khai mạc Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu 2025 tại TPHCM. Trong khuôn khổ sự kiện, hội thảo với chủ đề “Phát triển xanh: Cơ hội và thách thức của năng lượng sạch” diễn ra với sự chủ trì của Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam (VCEA).

Các đại biểu tham dự hội thảo

Ông Nguyễn Xuân Quy, Phó Chủ tịch VCEA kiêm Trưởng Văn phòng đại diện VCEA tại TPHCM phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Xuân Quy, Phó Chủ tịch VCEA kiêm Trưởng Văn phòng đại diện VCEA tại TPHCM nhấn mạnh: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo không chỉ là một xu thế tất yếu mà còn là yêu cầu cấp bách để đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.
Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách và chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo với mục tiêu tăng cường nguồn cung năng lượng nói chung để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế của đất nước lên 2 con số trong kỷ nguyên mới, đặc biệt là năng lượng sạch để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ra thế gới, thực hiện cam kết quốc tế của Chính phủ Việt Nam tại COP26 (đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050), giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Chính phủ đã ban hành các Nghị định 80, 135 và sau này là các Nghị định 56, 57, 58, 61... triển khai Luật Điện lực 2024, đồng thời cũng đang tiến hành bổ sung Quy hoạch điện VIII... Tất cả đã và đang tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho năng lượng tái tạo phát triển, đặc biệt là năng lượng mặt trời.

Ông Nguyễn Thượng Quân trình bày tham luận tại hội thảo
Theo ông Nguyễn Thượng Quân, Phó Trưởng Văn phòng đại diện VCEA tại TPHCM, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nghiên cứu – chế tạo các công nghệ, thiết bị hiện đại để khai thác tiềm năng vô tận của các nguồn năng lượng sạch. Mặt trời là nguồn năng lượng sạch dồi dào mà con người có thể khai thác thoải mái trong tương lai rất xa – khoảng 5 tỷ năm tới. Theo tính toán của nhiều nhà khoa học, khi lắp kín những tấm pin năng lượng mặt trời vào một tòa nhà cao 1km thì sản lượng điện mà nó tạo ra sẽ lên tới 200 MWp, đủ cung cấp cho khoảng 200.000 hộ gia đình. Từ những năm 50 của thế kỷ trước, nguồn năng lượng mặt trời đã bắt đầu được sử dụng rộng rãi. Hiện nay, các nước đang dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng mặt trời phải kể đến Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Ý, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha… Tại nước ta, năng lượng mặt trời cũng đang được khai thác và phát triển, trong đó phổ biến nhất là nhiệt mặt trời (dùng để đun nước nóng, sưởi ấm/làm mát không gian…).

Các đại biểu tham quan gian hàng tại sự kiện
Các nguồn năng lượng tái tạo giúp giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả. Ví dụ như một hệ thống điện mặt trời công suất 1MWp được lắp đặt trên mái của nhà xưởng doanh nghiệp sẽ tạo ra 120 - 150 nghìn kWh điện/tháng, hơn 1,5 triệu kWh điện/năm, giúp giảm phát thải khoảng 1.000 tấn CO2/năm và tương đương với trồng hơn 17.000 cây xanh mỗi năm. Như vậy, trong suốt vòng đời khoảng 25 - 30 năm, hệ thống này sẽ giúp giảm phát thải khoảng 25 - 30 tấn CO2. Rất rõ ràng, việc đầu tư nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế cho các hộ gia đình, doanh nghiệp khi có thể tự tạo ra điện sạch để phục vụ nhu cầu sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của mình mà còn có ý nghĩa rất lớn về mặt môi trường.