Tiết kiệm điện năng

Khai thác tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp

Thứ hai, 19/8/2024 | 15:31 GMT+7
Ngày 19/8, Tạp chí Công Thương tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề ''Tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp: Bài toán công nghệ và chính sách''.

Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP3) đặt mục tiêu tiết kiệm từ 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2019 - 2025 và từ 8 - 10% trong cả giai đoạn từ 2019 - 2030.

Để đạt được mục tiêu này, nhiều nỗ lực đã được triển khai. Qua đó cũng ghi nhận những kết quả khả quan sau hơn 5 năm thực hiện. Tuy nhiên, thực tế tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam vẫn còn rất lớn và còn nhiều việc phải làm.

Khảo sát của VNEEP3 cho thấy, các ngành công nghiệp của Việt Nam đang chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30 - 35%. Nhiều rào cản còn hiện hữu đối với cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Trong đó công nghệ và chính sách vẫn là bài toán lớn nhất.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, sử dụng năng lượng tiết kiệm ở khu vực sản xuất có tác động rất lớn tới sử dụng điện toàn xã hội. Trong năm 2023 và đặc biệt là 7 tháng năm 2024, tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam rất cao, đặc biệt tăng trưởng về điện. Năm 2023 chỉ đạt được 4,29%, tuy nhiên trong 7 tháng năm 2024, tăng trưởng về điện đã đạt ở mức khoảng độ 14%.

Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các sáng kiến tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất

Ông Nguyễn Quốc Dũng nhận định, đây là mức tăng trưởng rất cao và tỷ trọng của các ngành sản xuất trong cơ cấu về thương phẩm, sản lượng chiếm tới 51%. Sử dụng năng lượng tiết kiệm ở khu vực sản xuất có tác động rất lớn tới sử dụng điện toàn xã hội. Trên thực tế, theo thống kê của các tổ chức quốc tế, Việt Nam có thể tiết kiệm được khoảng 20 - 30% năng lượng sử dụng trong các ngành sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, theo thống kê, đánh giá của Bộ Công Thương, tỷ lệ này có thể đạt 30 - 35%. Đây là con số rất lớn khi xét về tiềm năng tiết kiệm điện tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.

Tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp bày tỏ còn gặp khó khăn trong thực hiện tiết kiệm điện. Ông Nguyễn Quốc Dũng chỉ ra, đối với các doanh nghiệp, nhận thức về vấn đề tiết kiệm điện vẫn còn hạn chế. Đồng thời là vấn đề không đủ năng lực, chưa tiếp cận được những công nghệ, khó khăn về mặt tài chính. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa áp dụng, chưa tối ưu hóa được dây chuyền sản xuất, quy trình sản xuất dẫn tới việc vẫn còn sử dụng năng lượng một cách lãng phí.

Thêm vào đó, chính sách giá điện của Việt Nam đang thực hiện theo Quyết định 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành từ năm 2014. Dù giá phụ thuộc vào các cấp điện áp nhưng giá giờ bình thường của sản xuất chiếm chỉ từ khoảng độ 84 - 92% giá bình quân và giờ thấp điểm từ 52 - 59% giá bình quân. Với giá điện thấp như vậy, việc tiết kiệm điện đối với các doanh nghiệp sản xuất cũng chưa được quan tâm một cách thực sự. Do đó, EVN tiếp tục kiên trì với việc khuyến nghị các doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt là thực hiện những chương trình về điều chỉnh phụ tải.

Ông Đặng Hải Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương cũng đưa ra rất nhiều chương trình để hỗ trợ cho doanh nghiệp như: chương trình về kiểm toán năng lượng miễn phí; hỗ trợ xây dựng những hệ thống quản lý năng lượng hoặc là các chương trình liên quan đến bảo lãnh vốn vay...

An Vinh (t/h)