Kinh tế xanh

Khánh Hòa: Chiêu "ép" đu đủ ôm nhau, trái ra nhiều, lớn như thổi

Thứ bảy, 14/9/2019 | 09:32 GMT+7
Thời gian qua, ông Nguyễn Minh Châu (Khánh Hòa) đã thực hiện thành công mô hình trồng đu đủ trên đồi với tuyệt chiêu "ép" các cây đu đủ ôm nhau theo cặp vừa giúp chống chọi gió bão, vừa giúp cây ra sai quả, quả lớn nhanh.

Mô hình trồng đu đủ của gia đình ông Nguyễn Minh Châu (xã Diên Bình, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) đã khiến phóng viên rất bất ngờ với những khám phá thú vị về cách trồng đu đủ ở đây. Mô hình trồng và "ép" những cây đu đủ ôm nhau, nương tựa vào nhau theo cặp không những giúp cho trái ra sum xuê mà còn hạn chế được tình trạng cây bị gãy đổ trong những đợt gió lớn, mưa lũ...

Hơn 10 năm qua, ông Châu rất đam mê nghề với nghề trồng đu đủ trên đồi. Dù có thời điểm giá bán trái đu đủ có xuống thấp, ông Châu vẫn "chung tình" với mô hình trồng loài cây này.

Trao đổi với phóng viên, ông Châu kể: “Trước đây tôi trồng gần 1.300m2 diện tích cây đu đủ. Sau thời gian thu hoạch thì gặp cơn gió dữ làm toàn bộ diện tích đu đủ bị gãy ngọn. Nhìn vườn đu đủ, tôi rất xót xa, muốn trồng lại vụ mới. Tuy nhiên, tôi ngẫm nghĩ, thử giữ gốc đu đủ lại để chăm sóc. Từ những gốc đu đủ gãy ngọn này về sau bật ra từ 1- 2 ngọn/cây. Những ngọn đu đủ tưởng chừng như bỏ đi, nào ngờ chúng cho ra trái chi chít. Tình cờ phát hiện ra cách làm khác người này mà mỗi tháng giúp tôi thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng, thậm chí 10 triệu đồng/tháng từ tiền bán trái đu đủ”.

Trồng cây đu đủ theo hướng nghiêng, tạo thế chữ X giúp hạn chế được tình trạng cây ngã đổ

Ông Châu cho biết, nếu ngày đó, ông nhổ bỏ vườn đu đủ gãy đổ để trồng vụ mới thì phải mất thời gian 8 tháng mới có trái đu đủ thu hoạch. Thế nhưng, cách làm mới chỉ khoảng 4 tháng sau sẽ được thu hoạch. Cách làm này tiết kiệm thời gian cho người nông dân, đồng thời năng suất đu đủ bất ngờ đạt cao hơn so với những cây đu đủ bình thường.

Ngoài phương pháp độc đáo trên, hiện ông Châu còn thí điểm trồng vườn đu đủ tơ có độ nghiêng 450 và áp dụng từng cặp cây đu đủ ôm nhau, nương tựa vào nhau theo hình chữ X. Ông Châu phấn khởi "khoe" rằng, phương pháp này rất có hiệu quả, hạn chế tình trạng cây gãy đổ khi trời gió lớn, trái không bị rụng, cây giảm ngã đổ đột ngột và 2 cây nằm gần nhau nên có điểm tựa vững chắc hơn trong quá trình phát triển. Sản phẩm trái đu đủ của gia đình ông đang được các thương lái bao tiêu ngay tại chỗ với giá dao động từ 6.000 – 10.000 đồng/kg.

Theo ông Châu, thông thường người dân trồng đu đủ theo cách truyền thống - hướng cây thẳng đứng. Nhưng cách trồng này gặp một số bất cập, cây chậm ra trái, thu hoạch khó khăn và gặp gió lớn rất dễ đổ ngã nên kinh tế thu nhập không được cao.

Ông Đinh Minh Trang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Diên Bình, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, hộ ông Châu trước đây thuộc diện khó khăn của địa phương. Nhờ cách trồng đu đủ độc đáo này mà ông đã trở thành hộ khấm khá. Mô hình trồng đu đủ cho hai cây ôm nhau theo cặp, trồng nghiêng đang được xem là rất lý tưởng cho các hội viên nông dân học  tập kinh nghiệm.

Theo Danviet