Kiểm soát các chất ô nhiễm thông qua quản lý vòng đời sản phẩm và nhãn sinh thái

Thứ sáu, 11/7/2025 | 17:31 GMT+7
Ngày 11/7, tại Hà Nội, Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo khởi động dự án “Giảm thiểu phát thải và tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và thủy ngân thông qua quản lý vòng đời sản phẩm và nhãn sinh thái”.

Mục tiêu của hội thảo là tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc thực hiện Công ước Stockholm và Công ước Minamata, qua đó đảm bảo việc triển khai dự án diễn ra đúng tiến độ, phù hợp với cam kết với các nhà tài trợ. Đồng thời, thúc đẩy những giải pháp kinh tế tuần hoàn cho các ngành công nghiệp điển hình tại Việt Nam cùng với việc nâng cao năng lực quản lý an toàn các chất POP và thủy ngân, hướng đến mô hình sản xuất, tiêu dùng bền vững.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành cho biết, thời gian qua, Bộ đã đóng vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất POP. Bộ đã nội luật hóa các quy định của Công ước về Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, đồng thời xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy.

Luật Bảo vệ Môi trường hiện hành đã quy định cụ thể về mua sắm xanh nhằm thúc đẩy việc lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường có chứng nhận nhãn sinh thái. Việc này cũng góp phần tăng cường các cơ chế tài chính xanh trong thời gian tới.

Nâng cao năng lực quản lý an toàn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và thủy ngân, hướng đến mô hình sản xuất, tiêu dùng bền vững. (Ảnh minh họa)

Thứ trưởng khẳng định: Chúng tôi hy vọng với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, dự án sẽ góp phần thực thi hiệu quả các quy định về bảo vệ môi trường, đặc biệt trong quản lý POP và thủy ngân, đồng thời thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế nhằm giảm thiểu rủi ro đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đang trên đà phát triển với nhu cầu lớn về nguyên vật liệu, kéo theo việc nhập khẩu và sử dụng hóa chất, trong đó có POP và thủy ngân. Việc sử dụng thủy ngân trong một số thiết bị như nhiệt kế vẫn còn phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe và môi trường.

Do đó, việc khởi động dự án “Giảm thiểu phát thải và tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và thủy ngân thông qua quản lý vòng đời sản phẩm và nhãn sinh thái” nhằm góp phần nâng cao năng lực quản lý an toàn đối với chất ô nhiễm; thúc đẩy các mô hình phát triển bền vững trong các ngành công nghiệp.

Bà Đặng Thùy Linh, Cục Môi trường, điều phối viên dự án đã giới thiệu tổng quan về dự án "Giảm thiểu phát thải và tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và thủy ngân thông qua quản lý vòng đời sản phẩm và nhãn sinh thái". Mục tiêu tổng thể của dự án là bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, đồng thời thúc đẩy mô hình sản xuất, tiêu dùng bền vững.

Dự án tập trung vào việc giảm thiểu sử dụng và phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP), bao gồm cả các chất POP mới, các chất POP phát sinh không chủ định (U-POP) cũng như thủy ngân trong toàn bộ vòng đời sản phẩm thuộc một số ngành công nghiệp tiêu biểu.

Để đạt được những mục tiêu này, dự án sẽ triển khai các công cụ như nhãn sinh thái, cơ chế tài chính xanh và mua sắm xanh. Trong đó, mục tiêu cụ thể là hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy và thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, dự án hướng tới việc thúc đẩy những giải pháp kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp điển hình, đồng thời tăng cường nhận thức và năng lực quản lý an toàn đối với các chất ô nhiễm cũng như mô hình phát triển bền vững.

Đức Dũng (t/h)