Kiểm soát chặt đối với 300 doanh nghiệp gây 80% ô nhiễm

Thứ năm, 11/6/2020 | 10:49 GMT+7
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết Bộ đã phân loại 17 nhóm dự án để tập trung quản lý, 17 nhóm này có khoảng hơn 300 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhưng gây ra phần lớn ô nhiễm tại Việt Nam.

Chiều 10/6, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã tổ chức Hội thảo tham vấn đại biểu Quốc hội về một số nội dung quan trọng trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Tại hội nghị, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho hay thực trạng môi trường Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp, chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải.

Theo ông Hà, một trong những chính sách mới của dự luật lần này là tập trung siết chặt kiểm soát đối với nhóm dự án gây ô nhiễm môi trường, thay vì “cào bằng” kiểm soát đối với mọi dự án như luật hiện hành. Đa phần các dự án đã, đang triển khai tại Việt Nam là các dự án thân thiện với môi trường (chiếm khoảng 80%), chỉ có khoảng 20% dự án còn lại thuộc nhóm gây ô nhiễm.

Hội thảo tham vấn đại biểu Quốc hội về một số nội dung quan trọng trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

"Vì vậy, phải phân ra dự án nào thân thiện với môi trường thì trải chiếu xanh, tạo điều kiện cắt bỏ các thủ tục hành chính. Như vậy sẽ không gây ra phiền nhiễu cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước sẽ dành nguồn lực còn hạn chế để tập trung kiểm soát đối với nhóm dự án gây ô nhiễm” – ông Hà nói.

Theo đó, ông Hà cho biết Bộ TN&MT đã phân loại 17 nhóm dự án để tập trung quản lý, 17 nhóm này có khoảng hơn 300 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhưng gây ra phần lớn ô nhiễm tại Việt Nam.

"Những dự án thân thiện với môi trường có thể không cần phải kiểm tra nhưng sẽ kiểm tra liên tục với những dự án liên tục vi phạm, công nghệ lạc hậu”- ông Hà nói và nhấn mạnh đơn vị càng tái phạm sẽ càng bị chế tài nặng.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Phó trưởng đoàn ĐBQH Vĩnh Long) tán thành những nội dung thanh tra, kiểm tra đột xuất được nêu trong dự thảo Luật, bởi “Việc thông báo trước không bao giờ thanh tra, phát hiện được những cái xấu trong môi trường. Việc thanh, kiểm tra đột xuất mới đạt hiệu quả và người dân hài lòng hơn", ông Hòa nhấn mạnh.

Đánh giá cao việc sửa đổi một cách chi tiết của dự án Luật Bảo vệ môi trường, tuy nhiên, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng cần có cách tiếp cận toàn diện hơn.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc, thực chất môi trường là thiên nhiên, ứng xử con người với thiên nhiên chính là văn hóa. Chúng ta có giải pháp công nghệ, hạ tầng tốt bao nhiêu nhưng không tạo ra thói quen, nếp sinh hoạt của con người thì không thể bền vững.

Đồng tình với quan điểm đó, đại biểu Mai Hồng Hải (đoàn TP.Hải Phòng) cho rằng, vấn đề quan trọng nhất về bảo vệ môi trường cái quan trọng là nhận thức. Nếu nhận thức không tới, không hết mà chỉ coi đó là rào cản, gánh nặng thì hành vi, hành động sẽ là sự trốn tránh.

“Do vậy, phải làm sao để người dân, doanh nghiệp nhận thức được đó là trách nhiệm của toàn dân và cả hệ thống chính trị. “Tự mình có trách nhiệm với chính mình”, có nhiều vấn đề không nhận thức được thì không bao giờ thay đổi được”, ông Hải nói.

Nam Thanh