Chương trình “Hương sắc Lào Cai” là sự kiện xúc tiến du lịch đầu tiên được tổ chức trên quy mô toàn tỉnh Lào Cai và mở rộng ra toàn quốc với xu hướng kết nối và giao lưu du lịch. Sự kiện là dịp để tỉnh hội tụ, kết nối các giá trị văn hóa, tinh hoa của dân tộc, là cốt lõi phát triển văn hóa di sản cần gìn giữ và phát huy.
Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai chia sẻ: Sở quyết tâm khôi phục lại hoạt động du lịch tại khu du lịch quốc gia Sa Pa sau thời gian dài bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19, theo phương châm thích ứng an toàn với dịch.
Thông qua chương trình, tỉnh Lào Cai khẳng định thế mạnh đa văn hóa - giàu bản sắc, góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát triển văn hóa các tộc người của tỉnh nhằm thu hút đầu tư, nhất là trong lĩnh vực du lịch, tạo nên những sản phẩm kinh tế - văn hóa du lịch độc đáo, hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch chung của các tỉnh Tây Bắc.
Khôi phục hoạt động du lịch từ các giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người ở Lào Cai
Bên cạnh đó, việc tổ chức thành công chương trình cũng sẽ hỗ trợ phát triển các khu văn hóa du lịch tộc người chuyên về thổ cẩm, nhằm đưa các sản phẩm thổ cẩm của Lào Cai có mặt rộng khắp thị trường quốc tế, tạo thêm công ăn việc làm và nguồn thu nhập bền vững cho bà con dân tộc bản địa. Đây được coi là phương pháp bảo tồn và gìn giữ văn hóa truyền thống tộc người bền vững nhất, giúp văn hóa vùng Tây Bắc Việt Nam sống mãi đến các thế hệ sau.
Theo ban tổ chức, “Hương sắc Lào Cai” dự kiến gồm chuỗi các hoạt động diễn ra liên tục từ ngày 19 - 21/11 tại thị xã Sa Pa. Bao gồm: khai mạc không gian trưng bày “Thổ cẩm - Những câu chuyện kể”; tái hiện Chợ tình Sa Pa: “Không gian của yêu đương và hẹn hò, muôn sắc màu thổ cẩm, diễn xướng và thăng hoa”; chương trình thời trang nghệ thuật: “Thổ cẩm - câu chuyện tình yêu”...
Điểm nhấn của không gian trưng bày “Thổ cẩm – Những câu chuyện kể” giới thiệu về sắc màu thổ cẩm Lào Cai - Tây Bắc, về các nghệ nhân và làng nghề, về bản sắc văn hóa dân tộc, về tình đất, tình người giữa Sa Pa. Nơi đó có sự giao thoa văn hóa của các dân tộc Lào Cai như Mông, Dao, Tày, Xá Phó, Giáy, Hà Nhì, Nùng...
Đây cũng là hoạt động góp phần triển khai, thực hiện Đề án của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay"; dự án “Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017 - 2022”, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc tiêu biểu, phong phú, đa dạng, mang màu sắc độc đáo, riêng biệt của 25 cộng đồng dân tộc đang sinh sống tại Lào Cai nói riêng và Tây Bắc nói chung.
Sau chuỗi hoạt động, lễ hội “Tinh hoa Tây Bắc - Hương sắc Lào Cai” sẽ tiếp nối lên kế hoạch tổ chức vào năm 2022, tạo nên thế mạnh, tiếp sức cho sự phát triển của du lịch Lào Cai, tô đậm thêm vẻ đẹp bản sắc và tinh hoa văn hóa Tây Bắc.
Hiện, công tác chuẩn bị về vật chất, trang thiết bị và nhân lực đã sẵn sàng cho các hoạt động của lễ hội “Tinh hoa Tây Bắc - Hương sắc Lào Cai” diễn ra an toàn, đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch Covid-19.