Phổ biến Luật Tài nguyên nước tại vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thứ ba, 17/9/2024 | 16:33 GMT+7
Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phổ biến Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 tại khu vực miền Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Mới đây, tại Cần Thơ, Cục Quản lý tài nguyên nước vừa phối hợp với Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF-8) và các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật cho đại diện các Sở Tài nguyên và Môi trường, đơn vị khai thác, sử dụng nước thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu nhấn mạnh, Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã đánh dấu bước tiến lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước của Chính phủ trong bối cảnh nguồn nước Việt Nam đang gặp nhiều thách thức. 

Trong đó, Luật đã quy định một số điểm mới cụ thể về: phục hồi nguồn nước; ban hành kế hoạch bảo vệ nước dưới đất; xây dựng kế hoạch sử dụng nước trên cơ sở kịch bản nguồn nước do Bộ TN&MT công bố; điều chỉnh bỏ vùng cấm 3 và hỗn hợp đã công bố theo Luật 2012; đăng ký khai thác nước mặt, nước dưới đất; hành lang bảo vệ tài nguyên nước; cập nhật kết quả điều tra cơ bản vào hệ thống  cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia…

Quang cảnh hội nghị

Tại hội nghị, trên cơ sở các quy định của Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật, các báo cáo viên của phòng chuyên môn thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước đã phổ biến trách nghiệm của các cấp, ngành ở địa phương; trách nhiệm của tổ chức khai thác, sử dụng nước trong việc chấp hành quy định của giấy phép khai thác và quy định pháp luật về tài nguyên nước.

Trong đó có nhiệm vụ, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh về việc ban hành các văn bản quản lý theo thẩm quyền; chỉ đạo cơ quan có liên quan sử dụng kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường cho các nội dung về bảo vệ tài nguyên nước, phục hồi nguồn nước, ô nhiễm nguồn nước thuộc nội dung điều tra cơ bản tài nguyên nước; cập nhật phương án khai thác, sử dụng vào quy hoạch tỉnh theo quy định; công bố chức năng nguồn nước nội tỉnh; ban hành danh mục hồ ao không được san lấp, lấn chiếm; ban hành danh mục hồ chứa phải có quy chế phối hợp; chỉ đạo lập kế hoạch sử dụng nước phù hợp với kịch bản nguồn nước do Bộ TN&MT công bố; ban hành kế hoạch bảo vệ nước dưới đất; đăng ký khai thác nước mặt; lập hành lang, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; chỉ đạo Sở TN&MT, cơ quan liên quan cung cấp, cập nhật dữ liệu điều tra cơ bản vào cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; công bố sức chịu tải nguồn nước nội tỉnh; cấp phép khai thác tài nguyên nước; thanh tra, kiểm tra tài nguyên nước…

UBND cấp huyện có nhiệm vụ tiếp nhận tờ khai đăng ký khai thác nước dưới đất (trừ khai thác hộ gia đình); quản lý mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; phối hợp với cơ quan, tổ chức quản lý trạm, công trình quan trắc, đo đạc, giám sát tài nguyên nước và các nhiệm vụ khác.

UBND cấp xã có nhiệm vụ tiếp nhận tờ khai đăng ký khai thác nước dưới đất hộ gia đình; tiếp nhận, quản lý mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; phối hợp với cơ quan, tổ chức quản lý trạm, công trình quan trắc, đo đạc, giám sát tài nguyên nước và các nhiệm vụ khác.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu còn trao đổi về vướng mắc của các đại biểu trong quá trình nghiên cứu, triển khai những văn bản pháp luật về tài nguyên nước tại địa phương.

Việt Nga (T/H)