Cần tăng cường quản lý khai thác cát sông Cửu Long

Thứ hai, 8/5/2017 | 15:19 GMT+7
Trong bài “hệ lụy khó lường từ khai thác cát trái phép trên sông Cửu Long”, Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường đã cảnh báo với tốc độ khai thác như hiện nay, toàn bộ trữ lượng cát trên sông Tiền, sông Hậu sẽ hết sau 30 năm nữa và nếu khai thác toàn bộ trữ lượng này mà không xem xét tác động đến môi trường, hậu quả sẽ rất khó lường và như vậy việc khai thác cát sẽ phải điều chỉnh như thế nào?

Tích hợp các nghiên cứu của WWF thì tải lượng trầm tích về châu thổ Cửu Long bị các đập thủy điện từ thượng nguồn sông Mekong ngăn chặn 75%, lượng cát thô khó về tới ĐBSCL. Nhưng tại đây ngoài tình trạng khai thác trái phép thì hàng năm vẫn đang cấp phép khai thác 28,25 triệu m3 cát nên trong khoảng 30 năm tới khả năng toàn bộ trữ lượng 816 triệu m3 cát qui hoạch dự báo dưới lòng sông Cửu Long sẽ bị moi hết. Cán cân trầm tích thâm hụt khiến sạt lở, trượt đất trở thành thảm họa và diện tích đất bị mất hàng năm sẽ không dừng lại ở mức 500ha như hiện nay. Viễn cảnh ấy đẩy nhu cầu hàng tỉ m3 cát phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng vốn dĩ còn nhiều thấp kém như ĐBSCL trong tiến trình phát triển thành vấn đề nan giải.

Không thể thúc đẩy tiến trình phá núi đá vôi

Gần đây xuất hiện ý kiến khuyến khích sử dụng đá nghiền thay cát trong chế tạo bê tông, vữa xây tô. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng: Chỉ có thể tận dụng bụi đá, đá vụn trong quá trình khai thác mỏ đá vôi để bù một phần cho cát trong chế tạo bê tông vì ngoài các yếu tố về kỹ thuật chỉ xét về tiềm năng và tiến độ khai thác nguồn tài nguyên đá vôi hiện nay còn “nóng” hơn việc khai thác sử dụng cát. Vì việc khai thác đá vôi trên bình diện cả nước đã và đang tàn phá môi trường rất trầm trọng - riêng ĐBSCL trữ lượng đá vôi chỉ có khoảng 433 triệu tấn (tập trung ở tỉnh Kiên Giang), trong đó có 195 triệu tấn thuộc quy hoạch bảo tồn của Khu dự trữ sinh quyển thế giới và quá trình khai thác trữ lượng đã dần cạn kiệt nên những quả núi thuộc diện bảo tồn đang phải đối mặt nhiều áp lực bị san bằng bình địa.

Từ hơn 4 năm trước, để giải quyết nhu cầu nung vôi sản xuất xi măng của doanh nghiệp, Bộ Xây dựng đã “bật đèn xanh” đập núi Bà Tài – một ngọn núi thuộc quy hoạch bảo tồn trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới - hệ thống núi đá vôi Kiên Lương (Kiên Giang), các tổ chức quốc tế phải vào cuộc can thiệp quyết liệt để bảo vệ các loại động thực vật quí hiếm và hệ sinh cảnh độc đáo còn sót lại ở đây. Ông Jake Runner - điều phối viên của IUCN tại Việt Nam, trực tiếp viết thư khẩn thiết gửi UBND tỉnh Kiên Giang, nêu rõ: “Trong hơn 15 năm qua, hầu hết núi đá vôi ở khu vực Kiên Lương (Kiên Giang) đã bị khai thác để sản xuất ximăng – vốn là nguyên vật liệu cần thiết để phát triển kinh tế Việt Nam. Đó là phần không thể tránh được trong quá trình phát triển. Nhưng trong quá trình phát triển đó, Việt Nam nên giữ lại các điển hình đại diện cho tính đa dạng sinh học của mình. Không thể lấy lý do kinh tế biện minh cho việc phá hủy toàn bộ sự độc đáo và vẻ đẹp của đất nước. Điều đó không hề có lợi cho Việt Nam về lâu dài”. Thậm chí, trong cuộc tranh chấp đó, GS.TS Vũ Quang Côn - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho rằng: việc cho phép đầu tư nhà máy và khai thác đá vôi để sản xuất ximăng ở huyện Kiên Lương là một sai lầm lớn của các cấp quản lý nhà nước. Ông Côn kiến nghị phải dừng ngay việc khai thác đá vôi để làm ximăng tại Kiên Giang trước khi quá muộn.

Nhắc lại chuyện này, một nhà khoa học, bức xúc: “Nếu khuyến khích tăng thêm hàng trăm triệu tấn đá vôi nữa để nghiền ra và thay thế cho cát trong xây dựng công trình thì chẳng khác gì “tiếp tay” cho các doanh nghiệp thực hiện ý đồ tranh thủ tiêu thụ sản lượng khai thác, thúc đẩy nhanh thêm tiến trình đập phá hệ thống núi đá vôi quí hiếm không có khả năng tái tạo của ĐBSCL và cả nước”. Đây cũng chính là lý do trong nhiều hội nghị, hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học đã đi tới lựa chọn phải cập nhật các biện pháp quản lý khai thác cát hệ thống sông Cửu Long cũng như các vùng miền trong cả nước một cách hợp lý, để có thể ngăn chặn, hạn chế được những hệ lụy thâm hụt trầm tích khó lường đồng thời phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội vì nguồn tài nguyên cát còn khả năng bù đắp và thực tế vẫn phải nạo vét, chỉnh trị thủy lợi.

Phải cập nhật biện pháp quản lý khai thác cát sông phù hợp

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam trong các tham luận khoa học đã có nhiều kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh, cập nhật trong việc qui hoạch và cấp phép khai thác cát sông Cửu Long. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu chú trọng đến “lợi ích tổng hợp” như kết hợp cải tạo luồng lạch giao thông thủy, tăng khả năng thoát lũ, giảm bồi lắng và xói lở cho các khu vực sông phân lạch. Cần có quy trình cụ thể nhằm khai thác cát hợp lý, không chỉ xem xét khối lượng của các mỏ cát đã được tạo thành trong nhiều năm mà cần xem xét đến khối lượng cát từ thượng nguồn về lắng đọng trong các khu vực, đặc biệt khi đã khai thác đến độ sâu “giới hạn” và tác động của việc xây dựng các công trình thượng nguồn làm giảm khối lượng cát về ĐBSCL theo thời gian. Việc cấp phép khai thác cát cần có sự trao đổi, thảo luận giữa các địa phương… thứ tự khai thác trước sau dọc sông… tác động qua lại lẫn nhau… tránh tác động xấu. Và cần bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về khai thác khoáng sản cát, trong đó điều chỉnh chính sách về thuế tài nguyên cát (đơn cử việc chi trả cũng như phí để khắc phục cho các sự cố về môi trường chỉ từ 3.000đ đến 5.000đ/m3 như hiện nay là quá thấp).

Trên cơ sở nghiên cứu khoa học về trầm tích châu thổ Cửu Long, WWF không phản bác việc tiếp tục khai thác cát trên hệ thống sông Cửu Long vì nhu cầu phát triển kinh tế xã hội nhưng khuyến cáo cấp thẩm quyền củng cố, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các ban ngành của địa phương, bổ sung công cụ, nâng cao hiệu quả trong quản lý khai thác cát. Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF - Việt Nam, kiến nghị: “Cần có sự hợp tác chặt chẽ của tất cả các tỉnh, thành nhằm đưa ra một quy chế quản lý thống nhất và hợp tác liên tỉnh trong quản lý khai thác cát sỏi và thực thi pháp luật một cách triệt để. Và mỗi địa phương cần có chương trình hành động huy động được nguồn lực địa phương để thực thi kế hoạch hành động thành công, góp phần vào hành động chung của vùng”.

Để huy động nguồn lực địa phương cùng với các biện pháp tăng cường quản lý khai thác cát mang tính công quyền, PGS.TS. Đinh Công Sản - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng chống thiên tai, cho rằng: “Cần phát huy ưu thế cuả nhân dân trong việc tham gia quản lý hoạt động khai thác cát. Điều quan trọng là phát huy sự tham gia của đội ngũ dân quân tự vệ, thành viên của Ban Thanh tra nhân dân, ban Giám sát đầu tư của cộng đồng các xã, phường, thị trấn và các tổ chức chính trị xã hội”. Ngoài ra, các chuyên gia, nhà khoa học cũng khuyến cáo trong bối cảnh nguồn cát bồi lắng trên sông Cửu Long đang bị giảm đi đáng kể để có thể đảm bảo nhu cầu về cát phục vụ phát triển kinh tế xã hội, cần nghiên cứu, khuyến khích ứng dụng các giải pháp sử dụng thông minh để tiết kiệm tài nguyên cát.

“Những tác động của việc suy giảm trầm tích trên vùng ĐBSCL do khai thác cát quá mức và xây dựng đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, đã có bằng chứng khoa học rõ ràng. Các mối đe dọa và hiểm họa thật sự nghiêm trọng. Các tác động của việc khai thác cát đang được cảm nhận nhanh chóng hơn nhưng có thể đảo ngược nếu cán cân trầm tích được quản lý một cách hợp lý” - Marc Ghoichot - chuyên gia năng lượng thủy điện sông Mê Kông của WWF.