Vườn Quốc gia Cúc Phương lại "chảy máu" vì lâm tặc

Thứ năm, 4/5/2017 | 18:44 GMT+7
Những cây gỗ quý có tuổi đời hàng trăm năm tuổi bị “lâm tặc” đốn hạ không thương tiếc tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. Rừng đang “chảy máu” trong khi đó, các ngành chức năng vẫn không hề hay biết?. 

Rừng xanh "chảy máu"

Rừng “chảy máu”.

Thời gian gần đây nạn “lâm tặc” hoành hành ở Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương, đoạn nằm trên địa bàn hành chính xã Thành Yên (Thạch Thành – Thanh Hóa). Hàng loạt các cây gỗ quý có tuổi đời hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ không thương tiếc.

Được biết, VQG Cúc Phương là khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng nằm trên địa bàn các tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. VQG Cúc Phương có hệ động thực vật phong phú đa dạng mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới. Năm 1960, rừng Cúc Phương được công nhận là khu bảo tồn rừng và được thành lập ngày 7/7/1962. Vườn có nhiều loài cây gỗ lớn, gỗ quý.

Nhận được thông tin phản ánh về thực trạng phá rừng ở VQG Cúc Phương, đoạn nằm trên địa bàn xã Thành Yên, chúng tôi lập tức lên đường. Từ TP. Thanh Hóa sau hơn 3 tiếng đồng hồ với hơn 6 km đường đất chúng tôi đã có mặt ở thung Thưa (thuộc xã Thành Yên) để bắt đầu vào rừng tiếp cận điểm lâm tặc đang hoành hành.

Theo chân anh L một người dân địa phương dẫn đường, men theo con đường lên núi lởm chởm đá tai mèo, vách đá dựng đứng, hẹp và rất dễ trơn trượt. Sau hơn nửa giờ đồng hồ, cảnh rừng bị tàn phá đã dần hiện ra. Anh L chỉ cho chúng tôi hai gốc cây mới bị đốn hạ, còn nguyên vết cưa. Đó là một cây Mai Lái (thường gọi là cây Trai Lý, một loại gỗ thuộc nhóm II) và một cây Cán Kè. Đường kính của hai cây này lên tới cả mét, theo những kinh nghiệm của người dẫn đường thì những cây gỗ này vừa bị đốn hạ chưa đầy 1 tuần lễ. Trong đó, cây gỗ Mai Lái đã bị lâm tặc xẻ thành nhiều đoạn và hộp, còn cây Cán Kè vẫn nguyên trạng do lâm tặc chưa vận chuyển hết.

Tiếp tục men theo lối mòn đi sâu vào trong rừng, qua thung Thưa là đến thung Võ. Tại thung Võ chỉ một đoạn ngắn hàng chục cây gỗ lớn cũng đã bị lâm tặc đốn hạ, nhiều cây còn đang chảy nhựa, có những cây gỗ to đến 3 người ôm không xuể. Những khúc gỗ lớn có chiều dài 3m, đường kính trung bình từ 50cm trở lên được xếp la liệt dọc lối đi vào rừng.

Lâm tặc cũng rất tinh vi khi không khai thác tập trung ồ ạt mà chặt nhỏ lẻ ở những vị trí cách xa nhau để tránh bị phát hiện. Những cây gỗ lớn nằm cạnh lối mòn vào rừng cũng không bị chặt. Những dấu vết, vật dụng của các đối tượng khai thác gỗ để lại cho thấy họ mới rời khỏi đây không lâu.

Càng vào sâu trong rừng, gỗ càng nhiều, những  cây lớn sâu trong núi đá cũng bị chặt hạ và khai thác ngay tại chỗ. Bằng cách đếm số vòng gỗ tại vị trí thân cây bị cắt ngang, người ta có thể tính toán tương đối chính xác tuổi đời hàng trăm năm tuổi của những cây gỗ này.

Ngành kiểm lâm đang “bất lực”?

Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, những đối tượng khai thác gỗ tại VQG Cúc Phương hoạt động theo nhóm và tổ chức chặt chẽ. Và chủ yếu là người dân địa phương và các xã lân cận.

“Lâm tặc ở khu vực này chủ yếu là người địa phương và các vùng lân cận. Chúng hoạt động chủ yếu vào ban đêm hoặc vào ngày chủ nhật. Vì đây là những thời điểm cơ quan chức năng khó phát hiện nhất. Sau khi cưa và xẻ gỗ tại rừng, các đối tượng này sẽ vận chuyển bằng tay, sau đó đến đoạn đường dễ di chuyển sẽ sử dụng sức trâu kéo”, anh L (người dẫn đường) nói thêm.

Ngay giữa rừng nguyên sinh còn xuất hiện dấu vết vận chuyển gỗ bằng xe kéo, cho thấy sự liều lĩnh của các đối tượng khai thác gỗ trái phép. Để vận chuyển gỗ ra ngoài lâm tặc buộc phải đi qua hai trạm kiểm lâm trên địa bàn xã Thành Yên. Được biết, trạm kiểm lâm số 03 tại thôn Thành Trung có 4 cán bộ, trạm kiểm lâm số 12 thôn Thành Tân có 3 cán bộ, cả 2 trạm đều trực thuộc quản lý trực tiếp của Hạt kiểm lâm VQG Cúc Phương. Đó là chưa kể đến 2 đội kiểm lâm cơ động với 11 cán bộ được trang bị bán vũ trang có súng yểm trợ, sẵn sàng có mặt ở những địa bàn cao điểm khi có thông báo lâm tặc phá rừng.

Thế nhưng lâm tặc vẫn ngang nhiên hoành hành tại VQG Cúc Phương, rừng vẫn chảy máu. Điều đó khiến dư luận bức xúc và không khỏi hoài nghi trước năng lực yếu kém của cán bộ kiểm lâm ở đây.

Để làm rõ hơn thực trạng phá rừng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Kiều, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 12 VQG Cúc Phương đóng tại thôn Thành Tân, xã Thành Yên. Ông Kiều thừa nhận từ đầu năm đến nay khu vực rừng Cúc Phương, đoạn qua địa phận xã Thành Yên tình trạng gỗ quý bị chặt phá diễn ra khá phức tạp. Tuy nhiên do lực lượng mỏng nên việc truy quét gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng khai thác gỗ trái phép ngày càng tinh vi khiến lực lượng kiểm lâm trên địa bàn không kịp trở tay.

“Từ đầu năm 2017, chúng tôi phát hiện một số vụ chặt phá rừng. Các đối tượng hoạt động chủ yếu vào ban đêm. Khi bị phát hiện lâm tặc chống trả rất quyết liệt nên rất khó bắt giữ. Trong tháng 4/2017, chúng tôi kiểm tra lại thì phát hiện thêm 5-6 cây vừa bị đốn hạ”, ông Kiều cho biết thêm.

Còn  ông Trịnh Trung Nhật -  Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Thạch Thành cho biết: “Hạt kiểm lâm huyện Thạch Thành hiện có 1 kiểm lâm viên phụ trách tại 4 xã, trong đó có xã Thành Yên. Chúng tôi có nhiệm vụ phối hợp với kiểm lâm VQG và chính quyền địa phương trong công tác quản lý rừng và đất. Hiện tại chúng tôi chưa nắm được thông tin về việc rừng Cúc Phương đoạn qua xã Thành Yên bị chặt phá. Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng trực tiếp lên rừng để kiểm tra, sau khi có thông tin cụ thể hạt kiểm lâm sẽ thông báo cho cơ quan báo chí”.

Thời gian gần đây, “lâm tặc” liên tục hoành hành ở nhiều khu rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Báo TN&MT cũng đã phản ánh. Dư luận vẫn không khỏi hoài nghi năng lực của cán bộ ngành kiểm lâm, để tình trạng rừng “chảy máu” ồ ạt!

Báo TNMT