Năng lượng sạch

Năng lượng tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phát triển từ những lợi thế địa lý

Thứ sáu, 17/3/2023 | 14:06 GMT+7
Phát triển năng lượng của tỉnh Lâm Đồng đạt nhiều kết quả và hiệu quả, đặc biệt là thủy điện đã xuất khẩu ra ngoài tỉnh. Tỉnh tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo khi tháo gỡ được những vướng từ các quy định từ Bộ Công thương…Đây là kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội vừa kết thúc.

Có nhiều tiềm năng

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2016-2021, trữ lượng năng lượng hiện nay của tỉnh chủ yếu là nguồn năng lượng tái tạo, tổng công suất khoảng 4.444,46 MW. Trong đó, thủy điện có tổng công suất khoảng 2.194,4 MW, tổng công suất đã vận hành 1.644,7 MW, tổng công suất đang đầu tư xây dựng và công suất tiềm năng khoảng 549,7 MW, thủy điện tích năng có tiềm năng khai thác với tổng công suất khoảng 20.000 MW. Đối với điện gió và điện mặt trời, tổng công suất tiềm năng khoảng 2250,06 MW, trong đó có 01 dự án điện gió đã đầu tư xây dựng có công suất 68,9 MW nhưng chưa vận hành (nhà máy điện gió Cầu Đất), còn lại là dự án đang nghiên cứu đầu tư và dự án tiềm năng.

Thủy điện Đồng Nai 1

Về trữ lượng của các dạng năng lượng tái tạo có trong quy hoạch điện và hiện đang vận hành nhưng không có trong quy hoạch tại tỉnh Lâm Đồng. Cụ thể, các dự án năng lượng tái tạo đã phê duyệt quy hoạch nhưng chưa có nhà đầu tư, bao gồm: thủy điện có 04 dự án với tổng công suất 11,9 MW; điện mặt trời có 01 dự án có công suất 50 MWp. Các dự án điện đang vận hành cung cấp điện vào lưới điện quốc gia nhưng không có trong quy hoạch, gồm 03 nhà máy thủy điện với tổng công suất 5,5 MW (thủy điện Ankroet 4,4 MW; thủy điện Lộc Phát 0,6 MW; thủy điện Quảng Hiệp 0,5 MW).

Về sản lượng năng lượng sản xuất, thủy điện khoảng 6.238 triệu kWh/năm; điện mặt trời áp mái khoảng 420 triệu kWh/năm; dự án điện gió khi vận hành dự kiến khoảng 193 triệu kWh/năm. Hiện nay, khả năng cung cấp năng lượng điện của lưới điện truyền tải tại tỉnh Lâm Đồng đảm bảo đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh đến giai đoạn 2021-2025.

Đoàn Giám sát tại Nhà máy Thủy điện Yan Tann Sien 

Tiếp tục phát huy lợi thế phát triển năng lượng

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp đã nêu một số kết luận. Phát điện, truyền tải và phân phối là 3 nhiệm vụ quan trọng của chiến lược phát triển năng lượng tỉnh, trong đó, vấn đề phát điện tỉnh Lâm Đồng đạt nhiều kết quả và hiệu quả, đặc biệt là thủy điện. (Thủy điện chỉ tiêu thụ gần 2,7% tổng công suất còn xuất khẩu ra ngoài tỉnh; đồng thời chiếm 20% thu từ phí, lệ phí trong tổng thu của địa phương). “Việc phát triển thủy điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời gian qua có hiệu quả và phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt”, ông Võ Ngọc Hiệp nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp chỉ đạo

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, tỉnh đang tiến tới phát triển năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, điện mặt trời trên mặt nước) tuy nhiên hiện chưa có dự án nào về điện mặt trời trên mặt nước. Hiện mới có 4 dự án điện gió được cấp phép (Trạm Hành, Xuân Trường 1, Xuân Trường 2 và Tà Năng). Vì vậy cần tiếp tục nghiên cứu để tháo gỡ những vướng mắc từ các quy định của Bộ Công thương.

Ông Võ Ngọc Hiệp cũng nêu một số tồn tại hiện nay như: Phát triển thủy điện còn khó khăn là phần lớn các dự án chậm tiến độ, nhất là khó khăn trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng và liên quan đến đất lâm nghiệp. Trong công tác quản lý điện mặt trời còn tồn tại, nguyên nhân còn vướng vào quy định chính sách ưu đãi, do đó cần ổn định nguồn và giá thành. Hai vấn đề quan trọng cần được điều chỉnh là chính sách ưu đãi còn sơ hở, bên mua điện chưa tuân thủ các quy định trong lúc áp lực cần phát triển năng lượng tái tạo đối với địa phương. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng chưa có công cụ cụ thể để quản lý trong thực hiện, nhất là phát triển điện mặt trời trên đất nông nghiệp… “Vấn đề là vừa phát triển được điện mặt trời, trên mặt nước gắn với phát triển kinh tế trang trại, địa phương cần nắm rõ”, ông Võ Ngọc Hiệp nói.

Phó trưởng Đoan đại biểu Quốc hội Lâm Đồng Nguyễn Tạo phát biểu 

Nhiều kiến nghị để tiếp tục phát triển năng lượng

Đại diện lãnh đạo ngành Điện lực tỉnh Lâm Đồng, các sở, ban, ngành và Đoàn giám sát của Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã nêu nhiều ý kiến, kiến nghị trong quá trình phát triển năng lượng. Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Tạo thay mặt Đoàn đánh giá: “Đoàn giám sát ghi nhận về các giải pháp được đề ra trong báo cáo của UBND tỉnh. Trong đó có việc hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư vào công trình năng lượng (gồm: công trình nguồn năng lượng tái tạo và hệ thống lưới điện truyền tải) góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đặc chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cho công trình năng lượng”.

Lãnh đạo Công ty Điện lực Lâm Đồng chia sẻ những khó khăn của ngành  

Đoàn Giám sát cũng nêu nhiều kiến nghị đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chính phủ; các Bộ: Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, các nội dung liên quan đến các vấn đề như: Luật Điện lực, Luật Năng lượng tái tạo cần phù hợp với thực tế quản lý hiện nay; Nghị quyết về chính sách giá điện đối với các dự án đầu tư phát triển năng lượng tái tạo đã bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Việc ban hành giá sàn, giá trần trong mua bán điện đối với các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực năng lượng để đảm bảo tạo một cơ chế bình đẳng, hài hòa giữa các doanh nghiệp đầu tư chung một lĩnh vực về năng lượng…

Những nội dung liên quan đến các Bộ như: Sửa đổi, thay thế Thông tư số 43/2012/TT-BCT ngày 27/12/2012 của Bộ Công thương quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện vì không còn phù hợp với Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng. Sửa đổi, ban hành quy định, đơn giản thủ tục đấu nối mua bán điện của các dự án nguồn điện với các Tổng Công ty Điện lực miền, khu vực; hiện thủ tục đấu nối, mua bán điện đối với các đơn vị đầu tư nguồn điện còn nhiều phức tạp. Đề xuất các hình thức xử lý đối với trường hợp vi phạm đối với điện mặt trời trang trại không đúng mô hình kinh tế trang trại…

Lãnh đạo Sở Công thương Lâm Đồng báo cáo tình hình phát triển năng lượng của tỉnh

Đối với UBND tỉnh Lâm Đồng, Đoàn giám sát kiến nghị cần­ chỉ đạo cơ quan chuyên môn, phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý phát triển hệ thống điện mặt trời, cụ thể đối với các Công ty Điện lực trước khi thỏa thuận đấu nối và ký kết hợp đồng mua bán điện phải phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện việc thỏa thuận đảm bảo quy hoạch sử dụng đất, tăng cường công tác báo cáo về việc đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời tại các địa phương; đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra việc đầu tư trang trại kết hợp điện mặt trời phải đảm bảo đúng mục đích kinh tế của trang trại…

Minh Đạo