Nâng tầm bảo đảm an ninh nguồn nước

Thứ bảy, 5/3/2022 | 10:46 GMT+7
Cùng với quá trình phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội, sự gia tăng ngày càng lớn của các hoạt động sử dụng nước cộng với tác động nặng nề của biến đổi khí hậu… đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong quản lý, bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên nước quốc gia.

Đạt mức bảo đảm 2/5 và ở mức thấp

An ninh nguồn nước là loại an ninh đặc biệt, tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước. Trong các năm 2013, 2016, 2020, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã thực hiện đánh giá an ninh nguồn nước cho các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua 5 khía cạnh gồm: an ninh nguồn nước hộ gia đình; an ninh nguồn nước đô thị; an ninh nước cho ngành kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng); an ninh nước cho môi trường; ứng phó với các thảm họa (hạn hán, thiếu nước, lũ lụt). Đối với Việt Nam, ADB đánh giá an ninh nguồn nước quốc gia của Việt Nam trong các năm 2013, 2016 và 2020 chỉ đạt mức bảo đảm 2/5 và ở mức thấp, trong khi đó ở Indonesia đạt mức 3/5, Hàn Quốc và Úc đạt 4/5.

Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cũng đã chỉ ra 9 thách thức đối với an ninh nguồn nước: thiếu nước, phân bố nước không đều theo không gian, thời gian; tác động của biến đổi khí hậu; ô nhiễm nguồn nước; nguồn nước phụ thuộc lớn vào nước ngoài; mâu thuẫn sử dụng nước trên lưu vực sông; khả năng tiếp cận nước sạch an toàn chưa cao; bảo vệ rừng, nguồn sinh thủy lưu vực sông; hiệu quả sử dụng nước thấp; vấn đề nguồn lực và cũng khẳng định việc bảo đảm an ninh nguồn nước là vấn đề hệ trọng có tính chiến lược trong phát triển của các quốc gia và ở Việt Nam và phải có giải pháp tổng thể và nguồn lực đủ mạnh cho vấn đề này.

Các đánh giá này hoàn toàn có cơ sở bởi tiềm năng tài nguyên nước Việt Nam khoảng 830 - 840 tỷ m3, tuy vậy, an ninh nguồn nước ở nước ta đang đứng trước nguy cơ không được đảm bảo do phụ thuộc nguồn nước từ nước ngoài chảy vào (60%); dòng chảy phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở lưu vực sông Cửu Long (khoảng 57%), sông Hồng - Thái Bình (16%), còn lại phân bố ở các lưu vực sông khác; dòng chảy mùa cạn chiếm từ 10 - 15%; nguồn nước mặt còn chịu tác động từ khai thác, sử dụng ở thượng nguồn bên ngoài biên giới, chịu tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm gia tăng.

An ninh nguồn nước phải gắn với an ninh quốc gia, biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai

Trong khi đó, nguồn nước dưới đất của nước ta có tiềm năng khoảng 63 tỷ m3. Nguồn nước này hiện đang được khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khoảng 84 tỷ m3/năm, nhu cầu dùng nước ở nước ta tăng 32% (khoảng 111 tỷ m3/năm) vào năm 2030 và nguy cơ mất đảm bảo an ninh nguồn nước ngày càng gia tăng nếu không kịp thời có đánh giá và các biện pháp đảm bảo an ninh nguồn nước.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, trong vòng 25 năm tới, trong bối cảnh dân số ngày càng gia tăng, nhu cầu khai thác sử dụng nước của người dân ở các khu đô thị sẽ tăng gấp đôi, tổng nhu cầu về nước vào mùa khô của Việt Nam sẽ gia tăng 32% vào năm 2030, căng thẳng nước sẽ xảy ra nghiêm trọng tại các lưu vực kinh tế trọng điểm (Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Đồng Nai).

Quyết sách lớn vì sự phát triển bền vững

Trước những bất ổn về an ninh nguồn nước đối với phát triển bền vững kinh tế - xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang nỗ lực hoàn thiện Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. Một trong các mục tiêu của Đề án là hướng tới nâng chỉ số an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh nguồn nước hiệu quả trong khu vực vào năm 2045. Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia là một nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm mô tả bức tranh tổng thể về tài nguyên nước Việt Nam.

Theo đó, mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2030 là giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc, tối ưu hóa lợi ích do nguồn nước mang lại từ các nguồn nước liên quốc gia; chủ động điều tiết nước, phòng ngừa, ứng phó với các sự cố ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; khắc phục có hiệu quả, bền vững tình trạng hạn hán, thiếu nước vào mùa khô các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa và các hải đảo…

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2045 và những năm tiếp theo, cơ bản 100% các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt được xử lý, phục hồi, phục vụ cấp nước, bảo vệ môi trường sinh thái. Cơ bản 100% các cơ sở khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước trên phạm vi cả nước được kiểm soát, áp dụng công nghệ tiên tiến, các công nghệ tiết kiệm nước và giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước…

Ngoài ra, cần nâng cao khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho người dân và các ngành sử dụng nước; kiểm soát cơ bản 90% các hoạt động khai thác, sử dụng nước, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, an toàn, công bằng, hợp lý, gắn với bảo vệ và phát triển tài nguyên nước, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát trên 90% các nguồn thải vào nguồn nước có vai trò quan trọng trong cấp nước được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; cải thiện, phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng; bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái ngập nước quan trọng.

Đồng thời, cần cải thiện việc cung cấp dịch vụ cấp nước đô thị, nông thôn, nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt khoảng 95 - 100%, nông thôn đạt khoảng 93 - 95%; đảm bảo an ninh lương thực thông qua việc vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu…

Theo baotainguyenmoitruong.vn