Nền nhiệt nhiều nơi vẫn tăng bất chấp La Nina

Thứ tư, 1/12/2021 | 16:26 GMT+7
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) mới đây đã cảnh báo nhiệt độ tại nhiều khu vực trên toàn cầu sẽ cao hơn mức trung bình trong những tháng tới, bất chấp tác động làm mát của hiện tượng thời tiết La Nina.

Cụ thể, WMO cho biết, trong giai đoạn từ tháng 8/2020 đến tháng 5/2021, La Nina đã xuất hiện và được dự báo sẽ quay trở lại, kéo dài đến đầu năm 2022. Hiện tượng này ảnh hưởng đến nhiệt độ và lượng mưa trên toàn cầu, khiến thời tiết mát lạnh. Tuy nhiên ở một số nơi vẫn có khả năng có nhiệt độ cao hơn mức trung bình bất chấp La Nina.

Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas khẳng định, tác động làm mát của La Nina trong chu kỳ năm 2020 - 2021 được cảm nhận rõ ràng nhất trong năm 2021, giúp năm nay không trở thành năm nóng nhất trong lịch sử như dự đoán trước đó.

Hiện tượng La Nina giúp làm mát và tăng lượng mưa ở nhiều khu vực

Các nhà khoa học nhận định, năm 2021 là quãng dừng ngắn ngủi trong quá trình tăng nền nhiệt độ chung của trái đất nhưng sẽ không đảo ngược xu hướng ấm lên toàn cầu trong dài hạn hay giảm bớt tính cấp thiết của hành động khí hậu.

Theo WMO, có 90% khả năng nhiệt độ bề mặt nước biển vùng nhiệt đới Thái Bình Dương sẽ chịu ảnh hưởng của La Nina đến cuối năm 2021 và 70 - 80% khả năng mức nhiệt này duy trì được đến quý I/2022. Do đó, các khu vực Đông Nam châu Á, các khu vực phía Bắc của Nam Mỹ sẽ đón nhận thời tiết ẩm ướt bất thường, trong khi vùng dưới xích đạo của Nam Mỹ, các khu vực Nam Á và Trung Đông sẽ chứng kiến tình trạng khô hạn bất thường.

Tuy nhiên, sẽ có nhiều khu vực đất liền vẫn được dự báo có mức nhiệt trên trung bình, theo đó mùa đông ở các khu vực này sẽ ấm bất thường, có thể kể đến các khu vực có nền nhiệt tăng như: miền Bắc và các khu vực Đông Bắc của châu Á; Bắc Cực; các khu vực miền Đông, Đông Nam của Bắc Mỹ; phần lớn châu Âu và các khu vực Đông Bắc của châu Á. Dự báo xu hướng tương tự cũng sẽ xảy ra gần các quốc gia châu Phi ở xích đạo, bao gồm cả Madagascar, nơi hạn hán đang hoành hành.

La Nina là hiện tượng lớp nước biển bề mặt khu vực Trung và Đông Thái Bình Dương ở xích đạo lạnh đi khác thường, xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn hiện tượng El Nino. La Nina xảy ra theo chu kỳ 2 - 7 năm/lần, thường bắt đầu hình thành từ tháng 3 - 6 hàng năm, gây ảnh hưởng mạnh nhất vào cuối năm cho tới tháng 2 năm sau.

La Nina gây ra các tác động trên diện rộng lên khí hậu trái đất, ngược lại với các tác động của chu kỳ nóng lên của El Nino. Bên cạnh tác động làm lạnh, La Nina thường gây mưa lớn, kéo theo nhiều cơn bão và khiến nhiệt độ tại khu vực xích đạo Thái Bình Dương giảm thấp hơn mức trung bình ghi nhận ở khu vực này.

Ngọc Huyền