Đà Nẵng: Nâng cao công tác bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường

Chủ nhật, 28/11/2021 | 15:47 GMT+7
Thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả đáng kể trong công tác bảo tồn và phát huy tính đa dạng sinh học trên địa bàn và sẽ hướng tới nâng cao, phát triển bền vững hơn nữa trong thời gian tới.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, đến năm 2020, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng trên địa bàn thành phố là 66.408,64ha, chiếm khoảng 51% diện tích đất tự nhiên của thành phố. So với giai đoạn 2011 - 2015, tình trạng vi phạm các quy định pháp luật về lâm nghiệp trong giai đoạn 2016 - 2020 đã giảm cả về số vụ và mức độ thiệt hại. Ngày càng có nhiều các loài thú quý hiếm được ghi nhận, chứng tỏ công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học ngày càng hiệu quả.

UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã phê duyệt Đề án Bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù gồm các loài, nguồn gen quý hiếm, có giá trị kinh tế cao; sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học theo hướng bền vững phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường của thành phố...

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng, nguồn tài nguyên rừng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng Phan Thế Dũng cho biết, Chiến lược Phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030 của thành phố đã đặt ra mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức từ 47% trở lên, 46% rừng tự nhiên được nâng cấp chất lượng, 50% số hộ miền núi có rừng tham gia sản xuất lâm nghiệp hàng hóa, giảm tối đa các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, đảm bảo an ninh môi trường rừng.

Đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy tính đa dạng sinh học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Theo ông Trần Hữu Vỹ, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học nước Việt xanh (GreenViet), giáo dục thiên nhiên nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ đa dạng sinh học cho người dân, nhất là giới trẻ, có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bán đảo Sơn Trà có các loài đặc hữu chỉ có ở khu vực Đông Dương là voọc chà vá chân nâu. Do đó, việc bảo tồn đa dạng sinh học của Sơn Trà trước mắt sẽ là hình mẫu để người dân đến tìm hiểu, trải nghiệm, nghỉ ngơi, từ đó truyền cảm hứng hành động cho người dân và khách tham quan Đà Nẵng.

Mặt khác, Đà Nẵng cũng là một trong những địa phương đại diện cho khu vực miền Trung phối hợp với Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), Trung tâm GreenViet trong dự án về bảo tồn động vật hoang dã.

Ông Trần Hữu Vỹ đánh giá, chuỗi hoạt động hy vọng có thể gióng lên hồi chuông cảnh báo, thức tỉnh mọi người trước thực trạng nguy cấp của môi trường và hệ sinh thái hiện nay.

Qua đây, thành phố Đà Nẵng đã có một số giải pháp để bảo vệ hệ sinh thái và môi trường. Điển hình như: lồng ghép các giải pháp, bảo vệ môi trường trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghiệp; chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, kết hợp với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thành phố cũng sẽ áp dụng hiệu quả nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý và bồi thường thiệt hại; người hưởng lợi từ các giá trị do công tác xử lý, duy trì bảo vệ môi trường phải trả phí tương xứng. Tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng và người dân trong bảo vệ môi trường; phát huy nội lực và hợp tác quốc tế; tăng cường quản lý nhà nước đi đôi với nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của toàn xã hội.

Minh Khang (T/H)