Ngành nông nghiệp gặp khó khăn do đất nhiễm mặn ngày càng tăng

Thứ hai, 25/10/2021 | 11:53 GMT+7
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cảnh báo việc canh tác nông nghiệp ở tất cả các châu lục đã, đang và sẽ trở nên khó khăn hơn do đất nhiễm mặn và suy thoái đất.

Theo thông tin từ Bản đồ toàn cầu về đất nhiễm mặn của FAO, khoảng 20 - 50% đất được sử dụng để canh tác nông nghiệp ở tất cả các châu lục đã trở nên quá mặn để có thể trồng trọt.

Cụ thể, những loại đất được nhắc đến trong Bản đồ toàn cầu về đất đều cho thấy chỉ số kém màu mỡ và năng suất thấp, tạo ra mối đe dọa đối với cuộc chiến chống nghèo đói trên toàn cầu bởi hơn 1,5 tỷ người đang sống bằng việc canh tác cây lương thực. Bên cạnh đó, việc nhiễm mặn cũng làm giảm chất lượng nước và đa dạng sinh học của đất, làm tăng xói mòn đất.

Theo FAO, đất giàu dinh dưỡng là điều kiện tiên quyết để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs) và là cơ sở để đáp ứng các tiêu chí “4 tốt” (sản xuất tốt hơn, nguồn dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau).

Đất nhiễm mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến canh tác nông nghiệp

Mới đây, tại Hội nghị chuyên đề toàn cầu công bố báo cáo về đất bị nhiễm mặn do FAO tổ chức, ông Qu Dongyu, Tổng giám đốc FAO cho biết, thế giới phải tìm kiếm những giải pháp sáng tạo để chuyển đổi sang các hệ thống nông nghiệp thực phẩm hiệu quả, bao trùm, linh hoạt và bền vững hơn.

Theo đó, hội nghị là dịp để các quốc gia chia sẻ kiến thức về ngăn mặn, biến đổi khí hậu, phục hồi hệ sinh thái và kết nối các nhà hoạch định chính sách với các nhà sản xuất lương thực và nhà khoa học.

Sự kiện diễn ra trước Ngày Đất thế giới (5/12) năm 2021 với chủ đề "Ngăn chặn tình trạng nhiễm mặn đất, nâng cao năng suất đất", đây là tiền đề để các đại biểu có thêm nhận thức đúng đắn và đưa ra các biện pháp cụ thể trong vấn đề đất nhiễm mặn.

Được biết, đất mặn hoặc đất chua có nguồn gốc tự nhiên và là nơi sinh sống của các hệ sinh thái có giá trị. Tuy nhiên, hiện nay diện tích đất này đang mở rộng ra và nguyên nhân chủ yếu được cho là do hoạt động của con người, như quản lý yếu kém, lạm dụng hoặc sử dụng phân bón không phù hợp, nạn phá rừng, mực nước biển dâng, nước ngầm bị nhiễm mặn được sử dụng để tưới tiêu dẫn đến thoái hóa đất.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng làm vấn đề nhiễm mặn trở nên trầm trọng hơn, trong khi các vùng đất khô hạn do hạn hán có thể mở rộng tới 23%, chủ yếu ở các nước đang phát triển, cũng đe dọa đến vấn đề canh tác nông nghiệp.

Tại buổi làm việc, đại diện FAO cũng cho biết, đất nhiễm mặn và đất đông cứng (sự gia tăng hàm lượng natri trong đất) là hai trong số những mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng nhất, đặc biệt đối với các vùng khô hạn, bán khô hạn, và các vùng canh tác nông nghiệp ở ven biển.

Để giải quyết vấn đề này, FAO đề xuất cần nâng cao nhận thức con người trong việc sử dụng tài nguyên; áp dụng các cách quản lý đất bền vững; thúc đẩy đổi mới công nghệ, khoa học kỹ thuật; cam kết chính trị, pháp lý mạnh mẽ hơn từ chính phủ.

Mỹ Dung