Bản tin môi trường số 18/2021

Thứ hai, 25/10/2021 | 09:51 GMT+7
Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 16 mới đây đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự và phát biểu tại sự kiện.

Phục hồi kinh tế xanh sau đại dịch

Tại buổi khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 16, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam luôn đề cao tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý tài nguyên nước, môi trường biển và đới bờ, biến đổi khí hậu, hóa chất và chất thải, rác thải nhựa đại dương.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân tham dự Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 16

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Việt Nam quyết tâm lựa chọn các tiếp cận phát triển bền vững và đang tích cực chuyển đổi theo mô hình kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Tới đây, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực sẽ tạo ra những thay đổi cơ bản từ nhận thức, tư duy đến hành động để giải quyết hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa kinh tế với bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

Theo đó, để đạt được các mục tiêu trên, Thứ trưởng nhận định, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa. Trong đó cần nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích chung của toàn khu vực; tiếp tục chung sức giải quyết các vấn đề ô nhiễm nguồn nước, không khí, rác thải nhựa đại dương, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; nâng cao năng lực chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và mang lại môi trường sống an toàn hơn cho các thế hệ người dân ASEAN hôm nay và mai sau.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng về quy mô và cường độ, chúng ta cần có cam kết cụ thể, mạnh mẽ về nỗ lực giảm phát thải với những biện pháp, kế hoạch phù hợp để đạt mục tiêu phát thải bằng không trong thời gian sớm nhất.

Việt Nam và HĐBA thống nhất chung về vấn đề ứng phó mực nước biển dâng

Mới đây, tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Đặng Đình Quý khẳng định, vấn đề biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và tác động đến an ninh xã hội là một trong các ưu tiên cao của Việt Nam trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết, Việt Nam chia sẻ khó khăn của các nước đảo nhỏ đang phát triển, các nước ven biển, dưới mực nước biển đang phải ứng phó với các tác động tiêu cực do mực nước biển dâng ở hiện tại và tương lai. Châu Á là nơi sinh sống của hơn 70% dân số toàn cầu có nguy cơ bị tác động mạnh mẽ nhất do mực nước biển dâng. Trong đó, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng của Việt Nam là các khu vực phải chịu tác động mạnh mẽ nhất.

Nước biển dâng ở Việt Nam có ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân

Do đó, Việt Nam coi vấn đề biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và tác động an ninh, phát triển của hiện tượng này là một trong các ưu tiên cao trong nhiệm kỳ thành viên HĐBA 2020 - 2021. Trước các bằng chứng ngày càng rõ ràng về tình trạng mực nước biển dâng toàn cầu, Đại sứ khẳng định cam kết của Việt Nam trong thúc đẩy HĐBA đóng góp vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế về ứng phó với thách thức sống còn này.

Trong buổi làm việc, hơn 40 nước thành viên HĐBA và LHQ đã tham gia phát biểu. Theo đó, các ý kiến đều khẳng định sáng kiến của Việt Nam đáp ứng kịp thời vấn đề được quan tâm chung của cộng đồng quốc tế và sẽ là đóng góp quan trọng ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ (COP26). Các đại biểu nhất trí cần tập trung vào biện pháp giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu; cần giải quyết các vấn đề pháp lý trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về Luật Biển. Bên cạnh đó, một số ý kiến kêu gọi phải có cách tiếp cận toàn diện đối với vấn đề biến đổi khí hậu.

UNESCO bảo tồn đa dạng sinh học biển qua nghiên cứu DNA môi trường

Mới đây, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã khởi động dự án bảo tồn đa dạng sinh học khu vực biển, dựa trên nghiên cứu về DNA môi trường.

Dự án thu thập dữ liệu từ nhiều mẫu loài sinh vật ở các kiểu môi trường khác nhau như đất, nước biển, tuyết, không khí trên khắp các khu vực biển được công nhận là Di sản thế giới, chứ không lấy mẫu trực tiếp từ một loài riêng lẻ.

Lấy mẫu DNA của các loài sinh vật mà không làm ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng

UNESCO cho biết, dự án giúp xác định tính dễ bị tổn thương của đa dạng sinh học biển đối với biến đổi khí hậu và tác động của nó đối với sự phân bố và mô hình di cư của sinh vật biển trên khắp các khu Di sản thế giới.

Dự án DNA sẽ giám sát và bảo vệ tốt hơn các loài có nguy cơ tuyệt chủng nằm trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Với sự hỗ trợ của người dân địa phương, dự án sẽ thu thập tài liệu, các mẫu vật để xác định trình tự gene trong phòng thí nghiệm chuyên biệt. Điều này giúp tiết kiệm sức người và không gây xáo trộn cuộc sống của các loài động, thực vật. Đặc biệt, việc sử dụng DNA trong giám sát đại dương và thu thập dữ liệu vẫn phải nằm trong các hệ thống tiêu chuẩn phù hợp về lấy mẫu và quản lý dữ liệu.

Tất cả dữ liệu sẽ được Hệ thống thông tin đa dạng sinh học đại dương (OBIS) xử lý và công bố. Đây là hệ thống dữ liệu truy cập mở lớn nhất thế giới về sự phân bố và đa dạng của các loài sinh vật biển, được duy trì và hỗ trợ chung bởi một mạng lưới các nhà khoa học, nhà quản lý và người dùng dữ liệu trên toàn thế giới.

Gia Bách