Môi trường (old)

Ngày Trái Đất với môi trường sống

Thứ sáu, 22/4/2016 | 14:22 GMT+7
Vào Ngày Trái Đất (Earth Day - ED) 22/4, nhiều sự kiện được tổ chức ở các nước trên thế giới nhằm mục đích bảo vệ môi trường như tuyên truyền kêu gọi mọi người chung sức bảo vệ môi trường sống, tổ chức trồng cây xanh, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường sống xanh sạch đẹp. 192 quốc gia tổ chức sự kiện Ngày Trái Đất hàng năm.

Lịch sử của Trái Đất

Lịch sử Trái Đất trải dài khoảng 4,55 tỷ năm, từ khi Trái Đất hình thành từ Tinh vân mặt trời cho tới hiện tại. Toàn bộ lịch sử Trái Đất được miêu tả trong 1 khoảng thời gian tượng trưng bằng 24 giờ. Thời điểm bắt đầu là 0 giờ, chính xác vào 4,55 tỷ năm trước, và kết thúc, 24 giờ, ở thời điểm hiện tại. Mỗi giây tượng trưng trong khoảng thời gian này tương đương với khoảng 53.000 năm.

Ngày Trái Đất đã trở thành sự kiện mang tính toàn cầu, với nhiều hoạt động có ý nghĩa nhằm bảo vệ môi trường.

Vụ nổ lớn và nguồn gốc của vũ trụ, được ước tính đã xảy ra khoảng 13,8 tỷ năm trước, tương đương với việc ta lấy mốc của nó là 3 ngày trước đây - 2 ngày trước khi chiếc đồng hồ của riêng chúng ta (hệ Mặt Trời) bắt đầu chuyển động.

Trái Đất được hình thành cùng với Hệ Mặt Trời từ khi Hệ Mặt Trời ban đầu tồn tại như 1 đám mây bụi và khí lớn, quay tròn, gọi là tinh vân Mặt Trời. Tinh vân này gồm hydro và heli được tạo ra từ Vụ Nổ Lớn, và những nguyên tố hóa học nặng hơn khác được tạo ra từ các ngôi sao đã chết.

Sau đó, vào khoảng 4,6 tỷ năm trước (15 đến 30 phút trước khi chiếc đồng hồ tưởng tượng của chúng ta bắt đầu chạy), có thể 1 ngôi sao ở gần đó bắt đầu trở thành 1 siêu tân tinh.

Vụ nổ gây sóng chấn động về hướng tinh vân Mặt Trời và làm nó bị nén vào. Vì đám mây tiếp tục quay, lực hấp dẫn và quán tính làm đám mây trở nên phẳng như hình dạng 1 cái đĩa, vuông góc so với trục quay của nó. Đa phần khối lượng tập trung ở giữa và bắt đầu nóng lên.

Lúc ấy, khi trọng lực làm cho vật chất cô đặc lại xung quanh các hạt bụi vật chất, phần còn lại của đĩa bắt đầu tan rã thành những vành đai. Các mảnh nhỏ va chạm vào nhau và tạo thành những mảnh lớn hơn.

Những mảnh nằm trong tập hợp nằm cách trung tâm khoảng 150 triệu kilômét tạo thành Trái Đất. Khi Mặt Trời ngày càng đặc lại, nó nóng lên, phản ứng hạt nhân bùng nổ và tạo nên gió Mặt Trời thổi bay đa phần những vật chất ở trong đĩa vẫn còn chưa bị cô đặc vào những tập hợp vật chất lớn hơn.

Ngày Trái Đất: Bảo vệ môi trường sống của nhân loại

Ngày Trái Đất được đề xuất lần đầu tiên vào ngày 21/3/1970 ở Mỹ. Tuy nhiên, sau đó sự kiện toàn cầu này được tổ chức vào ngày 22/4 hàng năm. Hơn 20 triệu người và hàng ngàn trường học đã tham gia Ngày Trái Đất đầu tiên tổ chức ở Mỹ hôm 22/4/1970. Sự kiện này có ảnh hưởng lớn khi thúc đẩy chính phủ Mỹ có những đạo luật mạnh mẽ hơn trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Gaylord Nelson, nguyên thượng nghị sĩ đảng dân chủ bang Wisconsin, Mỹ được đánh giá là người tiên phong trong việc cho ra đời các sự kiện khác nối tiếp Ngày Trái Đất, đó là Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Không khí Sạch, Luật Nước sạch và Luật Nước uống An toàn.

Kéo theo đó là sự ra đời mạng lưới Ngày Trái Đất (Earth Day Network - EDN) thu hút sự tham gia của gần 22.000 đối tác tại 192 quốc gia. Mỗi năm có hơn 1 tỷ người tham gia, hưởng ứng Ngày Trái Đất khiến cho nó trở thành một trong những phong trào lớn nhất thế giới.

Đến năm 2009, sự kiện Ngày Trái Đất được Liên Hợp Quốc công nhận và phát động trên toàn cầu và thu hút hàng trăm triệu người tham gia hàng năm.

Thông điệp Ngày Trái đất 2016 là: "Cây xanh cho Trái đất" ("Trees for the Earth"). Theo đó, các quốc gia trên thế giới tổ chức những sự kiện, hoạt động nhằm tuyên truyền kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ nguồn nước, bảo vệ Trái đất.

Trái Đất luôn hiện ra đầy màu sắc tươi đẹp của thiên nhiên và động thực vật, nhưng Trái Đất chúng ta đang sống còn là một thực thể bị tổn thương bởi những vấn nạn môi trường. Từ hiệu ứng nhà kính, khí hậu cực đoan, tới nạn ô nhiễm, rác thải, nguồn nước sạch…

"Bảo vệ mẹ Trái Đất là nhân tố xuyên suốt và nhất quán trong chiến lược phát triển của nhân loại”, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon từng khẳng định điều này khi nhìn nhận, thiếu một môi trường bền vững thì các quốc gia không thể đạt được các mục tiêu xóa đói nghèo, cải thiện y tế và đảm bảo sự tồn tại của con người.

Theo tính toán, vào năm 2050, với các mô hình sản xuất và tiêu dùng tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên như hiện nay, cùng với sự gia tăng dân số thế giới dự kiến chạm tới ngưỡng 9,6 tỉ người, chúng ta sẽ phải cần tới 3 Trái Đất mới đáp ứng được nhu cầu sinh sống của chính bản thân chúng ta.

PV/Khánh Ly