Trong nước

Nghệ An: Chú trọng ưu tiên và tập trung nguồn vốn cho các hộ dân nghèo và cận nghèo

Thứ sáu, 22/10/2021 | 14:22 GMT+7
Xác định rõ nhu cầu vay vốn tạo sinh kế bền vững của bà con, ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, giãn cách xã hội được nới lỏng, hệ thống ngân hàng chính sách xã hội tại tỉnh Nghệ An đã kịp thời phối hợp với các địa phương, tập trung rà soát, nắm bắt nhu cầu, giải ngân vốn vay cho người dân.

Nhiều hộ dân đã được hỗ trợ vay vốn sau dịch tại Nghệ An để đảm bảo sinh kế

Theo đó, chi nhánh đã tích cực đảm bảo nguồn vốn cho vay hộ nghèo phục vụ sản xuất kinh doanh. Từ 1/5/2021 đến 30/9/2021, nguồn vốn vay đã đạt trên 200 tỷ đồng cho gần 4.000 hộ nghèo; cùng với đó, doanh số cho vay hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đạt gần 1.260 tỷ đồng. Đây là nguồn lực giúp người yếu thế tạo sinh kế, vượt qua khó khăn dịch bệnh. Đặc biệt, từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra trên địa bàn, chi nhánh NHCSXH đã có một số giải pháp gia giãn nợ, lãi đối với khách hàng, đặc biệt là đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Trong đó, tập trung hỗ trợ gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho các hộ nghèo khi đến hạn gặp khó khăn chưa trả nợ kịp thời, trả lãi định kỳ. Theo đó, từ 1/5/2021 đến 30/9/2021, đã có 1.145 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ gia hạn, giãn nợ, lãi; số tiền nợ gốc được gia hạn, giãn nợ lên tới 35 tỷ đồng.

Dự kiến từ nay đến cuối năm, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh sẽ huy động nguồn lực để tiếp tục hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, trong đó riêng cho vay các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và mới thoát nghèo khoảng 500 tỷ đồng, để phục vụ nhu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh góp phần giảm thiểu tái nghèo trên địa bàn.

Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã giải ngân gần 170 tỷ đồng, trong đó riêng 3 chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo khoảng trên 70 tỷ đồng, đáp ứng đủ nhu cầu vay của người dân. So với cùng kỳ năm ngoái, số vốn vay các đối tượng trên tăng hơn 7 tỷ đồng, nhiều hộ vay hàng trăm triệu đồng. Được tạo điều kiện về nguồn vốn, người dân đã tập trung phát triển chăn nuôi, trồng keo… nhằm thoát nghèo, tạo sinh kế bền vững.

PV