Kinh tế xanh

Nghiên cứu đánh thức tiềm năng đô thị biển Việt Nam

Thứ năm, 1/10/2020 | 15:56 GMT+7
Ngày 30/9, Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị, Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cùng các hiệp hội, tổ chức khác đã tổ chức tọa đàm Tổng quan hiện trạng đô thị biển Việt Nam và một số quan điểm về kiểm soát phát triển.

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên với hơn 3.260km bờ biển, đặc biệt là nhiều bãi biển đẹp như Trà Cổ, Sầm Sơn, Lăng Cô, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc… Mặc dù, các lĩnh vực du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác tài nguyên biển, nuôi trồng, khai thác hải sản, công nghiệp ven biển đã xuất hiện nhưng cho đến nay vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng khi nhìn nhận từ góc độ phát triển đô thị, phát triển kinh tế biển và đô thị biển.

Cụ thể, các đô thị ven biển hiện đang được nhìn nhận như các đô thị đồng bằng, đô thị núi, chưa thể hiện rõ mục tiêu lấy tư duy phát triển với các ngành kinh tế hướng biển là động lực phát triển đô thị; vai trò của các khu kinh tế, khu công nghiệp và cảng biển chưa cho thấy là động lực cho phát triển đô thị biển. Đồng thời, chưa hình thành các trung tâm kinh tế - tài chính lớn để tạo sức hút, làm nền tảng hạ tầng để đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của các ngành kinh tế biển, du lịch, dịch vụ… và hệ thống cảng biển trong các đô thị biển.

Mặt khác, nhiều tiềm năng đặc sắc của du lịch biển chưa được đầu tư khai thác một cách tương xứng, trong khi 70% các khu, điểm du lịch trong cả nước đều tập trung ở vùng ven biển. Thu nhập từ hoạt động du lịch biển năm 2019 đạt trên 43.200 tỷ đồng, chiếm 60% tổng thu nhập du lịch Việt Nam.

Tiềm năng đô thị biển Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng cách

Theo KTS. Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Viện quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, việc liên kết chuỗi đô thị biển đảo thành hệ thống đô thị biển sẽ giúp việc hợp tác và chia sẻ chức năng cảng - dịch vụ - công nghiệp - du lịch, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để hiện thực hóa điều đó, trong buổi tọa đàm, bà Nhâm đề xuất cần tập trung phát triển hai vùng đô thị hoá ven biển trọng điểm quốc gia là vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng đạt tầm vóc khu vực và quốc tế, cạnh tranh với các vùng đô thị lớn khu vực biển châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, các đô thị có tiềm năng về cảng nước sâu quy mô lớn như Hải Phòng, TPHCM, Vũng Tàu cần được đổi mới mô hình đô thị, thúc đẩy nền kinh tế hàng hải, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ - công nghiệp cảng, hình thành đầu mối giao thương quốc tế gắn với cảng nước sâu hoặc sân bay quốc tế ven biển.

Nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch - PGS.TS. Phạm Trung Lương kiến nghị, để đẩy mạnh phát triển đô thị du lịch biển theo hướng bền vững cần sớm nghiên cứu điều chỉnh Luật theo hướng công nhận tính chuyên ngành (đô thị công nghiệp, đô thị du lịch...), tính chuyên biệt (đô thị xanh, đô thị thông minh…) và các danh hiệu đô thị (đô thị đáng sống, đô thị hạnh phúc, đô thị hòa bình…) trong hệ thống đô thị với các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể.

Cần phải xây dựng một chiến lược phát triển đô thị biển gắn kết chặt chẽ với Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2054.

Thanh Bảo