Nhật Bản hỗ trợ triển khai các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Thứ sáu, 24/2/2023 | 14:08 GMT+7
Mới đây, đối tác Nhật Bản đã làm việc với đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về hợp tác xây dựng kế hoạch năm 2023 cho dự án “Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định” (SPI-NDC) lần thứ 3.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Trưởng Ban chỉ đạo dự án SPI-NDC chia sẻ, việc triển khai NDC của Việt Nam hiện đã đến giai đoạn quan trọng, cần có những quyết sách thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Dó đó, thông qua dự án SPI-NDC, Nhật Bản có thể hỗ trợ Việt Nam triển khai các hoạt động cụ thể để đẩy nhanh hơn nữa việc thực hiện các giải pháp giảm nhẹ phát thải, đặc biệt trong chuyển đổi năng lượng, quản lý, phát triển tín chỉ carbon, tiến tới thành lập và vận hành thị trường carbon.

Việt Nam triển khai nhiều hoạt động đẩy nhanh việc thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. (Ảnh minh họa)

Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, các chuyên gia phía Việt Nam và Nhật Bản đã cùng thảo luận, góp ý cho kế hoạch dự án năm 2023. Trong đó, tập trung làm rõ những vướng mắc, những kinh nghiệm để triển khai kế hoạch năm 2023 đạt hiệu quả cao.

Theo ông Koji Fukuda, cố vấn trưởng dự án SPI-NDC lần thứ 3, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực thực hiện NDC của Việt Nam, triển khai các hoạt động thí điểm giảm phát thải và tập huấn kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở; tiếp tục xây dựng phương thức hoạt động cho cơ chế phối hợp liên ngành trong thực hiện các mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quốc gia cho các Bộ tham gia thực hiện NDC của Việt Nam; tiếp tục xây dựng phần mềm/hệ thống mô phỏng trực tuyến báo cáo khí nhà kính cấp cơ sở. Những kết quả của các hoạt động thí điểm sẽ là tiền đề cho các Bộ, ngành xây dựng chính sách và hướng dẫn cụ thể.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, kế hoạch năm 2023 cần đặt trọng tâm vào việc hiện thực hóa các quy định pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phần mềm báo cáo kiểm kê và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) cấp cơ sở. Nhật Bản đã có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này, bởi vậy các chuyên gia của hai nước cần phối hợp chặt chẽ hơn trong thời gian tới để triển khai dự án một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, các Bộ cũng cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính, MRV cho các cơ sở thuộc ngành mình quản lý trong năm nay, đặc biệt chú trọng những ngành có nhiều cơ sở phát thải lớn và sẽ tham gia thị trường carbon.

Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị chuyên gia phía Nhật Bản có báo cáo về kinh nghiệm triển khai hệ thống báo cáo trực tuyến, phối hợp cùng các Bộ, ngành phía Việt Nam cùng nghiên cứu đưa ra hướng đi phù hợp nhất với hệ thống pháp luật hiện nay. Đồng thời, rà soát lại các Luật, nghị định, thông tư, so sánh kế hoạch với thực hiện NDC để chỉ ra công cụ pháp lý còn thiếu, làm cơ sở hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.

Mặt khác, Thứ trưởng cũng đồng ý với ý kiến từ các Bộ, ngành về việc cần rà soát sự giao thoa giữa các dự án khác nhau liên quan đến giảm phát thải, kiểm kê khí nhà kính. Thứ trưởng đề nghị Cục Biến đổi khí hậu thực hiện chức năng điều phối giữa các dự án, nhà tài trợ để các hoạt động không bị trùng lặp mà hỗ trợ lẫn nhau, hướng đến mục tiêu là công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu càng ngày càng bài bản. Tiến hành trao đổi với các Bộ, ngành để đề xuất đề án phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường cho các hoạt động kiểm kê khí nhà kính; nghiên cứu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đầu thực hiện kiểm kê để thu hút khối tư nhân hơn nữa.

Mỹ Dung (T/H)