Tại phiên họp toàn thể lần thứ nhất trong khuôn khổ Đại hội ASOSAI lần thứ 15 diễn ra ngày 7/9, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam Hà Thị Mỹ Dung báo cáo về việc thực hiện Tuyên bố Hà Nội giai đoạn 2018 – 2021. Trong đó, nhấn mạnh kết quả thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức trong cộng đồng ASOSAI trong lĩnh kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững; thực hiện mục tiêu phát triển bền vững gắn với giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu.
Với vai trò là Chủ tịch ASOSAI đương nhiệm – dẫn dắt và định hướng phát triển của tổ chức, trong giai đoạn vừa qua, KTNN Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh sứ mệnh hàng đầu của ASOSAI là đào tạo, trao đổi học hỏi giữa các SAI thành viên mang tính chuyên sâu, đổi mới và thích ứng kịp thời với sự phát triển cũng như thay đổi liên tục của môi trường quản lý tài chính công.
Bà Hà Thị Mỹ Dung tại Đại hội ASOSAI lần thứ 15
Hiện tại, KTNN Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với Chủ tịch Ủy ban Phát triển năng lực (KTNN Nhật Bản) và các Ủy ban, Nhóm công tác của ASOSAI tăng cường chia sẻ kiến thức và các thông lệ tốt, mang tính phổ quát, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Cụ thể, thực hiện Đề án nghiên cứu ASOSAI lần thứ 12 về Kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững; đào tạo về Kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững theo Mô hình kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững của INTOSAI.
Bà Hà Thị Mỹ Dung cho biết, với nỗ lực thực hiện thành công Tuyên bố Hà Nội, KTNN Việt Nam đã nghiên cứu, trình Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ chủ trương cho phép KTNN chủ trì thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác với chủ đề “Kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” với sự tham gia của KTNN Thái Lan, KTNN Myanmar.
Đến nay, 3 cơ quan KTNN đã hoàn thành báo cáo kiểm toán của từng quốc gia và đang phối hợp tổng hợp những kinh nghiệm rút ra của cuộc kiểm toán hợp tác để chia sẻ với các SAI thành viên.
Theo bà Dung, qua 3 năm đảm đương cương vị Chủ tịch ASOSAI, những đóng góp của KTNN Việt Nam được các Cơ quan Kiểm toán tối cao thành viên (SAI) trong khu vực và quốc tế ghi nhận, thu hút sự quan tâm của các đối tác phát triển quốc tế, củng cố năng lực, kỹ thuật và chuyên môn nghề nghiệp; giúp ASOSAI trở thành tổ chức kiểm toán tối cao chuyên nghiệp, hiện đại, từ đó nâng cao năng lực, uy tín của KTNN nói chung và Việt Nam nói riêng trên các diễn đàn quốc tế.
KTNN Việt Nam đã đóng góp tích cực giúp ASOSAI trở thành tổ chức kiểm toán tối cao chuyên nghiệp, hiện đại
Theo báo cáo buổi làm việc, ASOSAI luôn đóng vai trò tham gia tích cực vào các hoạt động của cộng đồng kiểm toán quốc tế thông qua Nhóm Công tác về Kiểm toán môi trường ASOSAI (ASOSAI WGEA). Tích cực áp dụng khoa học và công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán môi trường như: tăng cường sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GIS) và công nghệ viễn thám để đánh giá tác động của hoạt động khai thác khoáng sản; sử dụng dữ liệu viễn thám để nghiên cứu hoạt động sử dụng đất đai; sử dụng thiết bị ghi hình không người lái để tính toán phạm vi và khối lượng khai thác cát…
Đặc biệt, trong giai đoạn 2020 - 2022, ASOSAI đã phối hợp với Ủy ban Chia sẻ kiến thức của INTOSAI và Tổ chức Sáng kiến phát triển INTOSAI (IDI-KSC) triển khai thực hiện Chương trình kiểm toán hợp tác về SDGs với chủ đề “Hệ thống y tế quốc gia bền vững và nhanh chóng phục hồi” theo mô hình toàn diện và khép kín về phát triển bền vững của INTOSAI với sự tham gia của 26 quốc gia châu Á và 3 quốc gia khu vực Thái Bình Dương. Đây là một nỗ lực rất lớn của ASOSAI nói chung và các SAI thành viên nói riêng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tạo nên khủng hoảng và hệ lụy khó lường trên quy mô toàn cầu.
Tại cuộc họp Ban Điều hành Tổ chức các ASOSAI lần thứ 56 (ngày 6/9), các đại biểu đều cho rằng, các cuộc kiểm toán môi trường giúp Chính phủ áp dụng những biện pháp ngày càng mạnh mẽ, kịp thời để bảo vệ hệ sinh thái, đồng thời nâng cao nhận thức của các cơ quan hữu quan trong việc khắc phục các vấn đề một cách nghiêm túc, chủ động hơn; thiết lập cơ chế dài hạn và tạo điều kiện cho việc ban hành, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp lý, khung chính sách về môi trường quốc gia.
Ngoài ra, ASOSAI còn giúp đánh giá toàn diện tính phù hợp của các chương trình, dự án của Chính phủ từ góc độ phát triển bền vững (nhất là tính minh bạch, hiệu lực và trách nhiệm giải trình); lập kế hoạch chung về môi trường; thực hiện các chương trình/dự án để quản lý các mục tiêu; thiết lập các tiêu chuẩn, quy định quản lý và hình thành cơ chế thực hiện chính sách môi trường...
Các kết quả trong Tuyên bố Hà Nội đã khép lại một nhiệm kỳ Chủ tịch ASOSAI Việt Nam với nhiều dấu ấn và thành tựu. Lãnh đạo KTNN Việt Nam cũng chuẩn bị chính thức chuyển giao chức Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2021 - 2024 cho KTNN Thái Lan.