Ngày 7/8, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng giao ban trực tuyến với Tổng giám đốc các đơn vị thành viên PVN về kết quả sản xuất kinh doanh 7 tháng đầu năm 2020, đề ra các nhiệm vụ và giải pháp 5 tháng cuối năm 2020.
Phát biểu tại buổi giao ban, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết, kết quả hoạt động của một số tập đoàn/công ty dầu khí hàng đầu thế giới trong quý II/2020 đều suy giảm nặng nề hơn so với quý I/2020.
Trong nước, dịch bệnh bùng phát trở lại khiến nền kinh tế tiếp tục chịu những tác động lớn... Giá dầu tiếp tục duy trì ở mức thấp, trung bình tháng 7/2020 là 40,2 USD/thùng và 7 tháng đầu năm là 44 USD/thùng, trong khi giá kế hoạch là 60 USD/thùng.
Mặc dù trong bối cảnh ảm đạm chung của nền kinh tế nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là sự suy giảm nặng nề của ngành công nghiệp dầu khí toàn cầu, nhưng nhờ kịp thời xây dựng và thực hiện 5 nhóm giải pháp tổng thể, chi tiết cho 5 lĩnh vực hoạt động và trọng tâm cho 3 lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tình hình sản xuất kinh doanh của PVN đã có những điểm sáng so với nhiều tập đoàn/công ty dầu khí hàng đầu thế giới.
Cuộc họp giao ban trực tuyến của Tổng giám đốc PVN với Tổng giám đốc các đơn vị thành viên Tập đoàn
Cụ thể, tổng sản lượng khai thác quy dầu tháng 7 đạt 1,78 triệu tấn quy dầu, vượt 12% kế hoạch tháng, tính chung 7 tháng đạt 12,52 triệu tấn quy dầu, vượt 625 nghìn tấn quy dầu (vượt 5,3%) kế hoạch 7 tháng và bằng 61,5% kế hoạch năm.
Sản xuất điện tháng 7 đạt 1,85 tỷ kWh, vượt 2,7% kế hoạch tháng; tính chung 7 tháng đạt 12,75 tỷ kWh, bằng 99,3% kế hoạch 7 tháng và bằng 59% kế hoạch năm.
Sản xuất xăng dầu toàn Tập đoàn tháng 7 đạt 969,2 nghìn tấn, bằng 87,6% kế hoạch tháng; tính chung 7 tháng đạt 7,37 triệu tấn, bằng 95% kế hoạch 7 tháng và bằng 62,4% kế hoạch năm.
Sản xuất đạm tháng 7 đạt 153 nghìn tấn, vượt 6,4% kế hoạch tháng, tính chung 7 tháng đạt 1,06 triệu tấn, vượt 66 nghìn tấn (vượt 6,7%) kế hoạch 7 tháng và bằng 67,7% kế hoạch năm.
Đặc biệt, việc Tập đoàn khẳng định được trữ lượng lớn dầu khí tại Lô 114 trong tháng 7/2020 vừa qua được đánh giá sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư và phát triển PVN trong các lĩnh vực từ khai thác, chế biến, công nghiệp điện khí, đến dịch vụ dầu khí trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, ngày 10/7 vừa qua đã đóng điện thành công sân phân phối trung tâm nhiệt điện Sông Hậu, ký hợp đồng thuê quản lý vận hành với Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) và ngày 28/7, đốt lửa lần đầu bằng dầu thành công tổ máy số 1 dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1.
Do đó, dù giá dầu trung bình 7 tháng đầu năm 2020 của Tập đoàn là 44 USD/thùng, bằng 73% giá dầu kế hoạch năm 2020 (60 USD/thùng) nhưng kết quả tài chính của PVN có nhiều kết quả tích cực. Doanh thu toàn Tập đoàn trong 7 tháng đầu năm đạt 327.798 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 7 tháng đầu năm đạt 38.731 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 10 ngàn tỷ đồng...
Dịch Covid-19 được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp khiến nền kinh tế toàn cầu càng chìm sâu vào suy thoái. Dự báo của nhiều tổ chức năng lượng/tài chính uy tín trên thế giới về giá dầu năm 2020 và 2021 tiếp tục duy trì ở mức thấp (đạt khoảng 40 USD/thùng, khả năng đạt mức 50 USD/thùng là rất khó xảy ra), nhu cầu tiêu thụ khí, phân bón, điện chưa có dấu hiệu phục hồi...
Trong bối cảnh dịch tái bùng phát, Tổng giám đốc PVN nhận định, hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của Tập đoàn trong năm 2020, 2021 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, từ kinh nghiệm ứng phó với tác động kép trong thời gian qua, những tháng còn lại của năm 2020, PVN cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đã xây dựng, thường xuyên cập nhật để có những giải pháp tối ưu nhất phù hợp với tình hình thực tế.