Văn hóa, du lịch

Phát huy giá trị lễ hội, sự kiện văn hóa để thúc đẩy tăng trưởng du lịch

Thứ hai, 9/10/2023 | 14:30 GMT+7
Mới đây, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và Chi hội Lữ hành Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức hội thảo "Phát huy giá trị sự kiện, lễ hội thúc đẩy tăng trưởng du lịch tại Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế".

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch Đà Nẵng 2023 và kỷ niệm 10 năm thành lập Chi hội Lữ hành Đà Nẵng.

Phát biểu tại hội thảo, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế là một điểm sáng liên kết địa phương trong việc xác định bản nguyên, hình thành sản phẩm, triển khai hoạt động xúc tiến du lịch. Mô hình này đã thành công trong nhiều năm qua, mối liên kết du lịch giữa 3 địa phương đã thực sự trở thành trục tăng trưởng khách du lịch mới của cả nước, đóng góp quan trọng trong thành công chung của du lịch Việt Nam.

Hội thảo tập trung vào 4 nội dung: kiểm kê, đánh giá giá trị của lễ hội, sự kiện thuộc 3 địa phương để khai thác tốt nhất; lựa chọn lễ hội, sự kiện đặc sắc để hình thành chuỗi sự kiện công bố cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng tập trung khai thác; vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong việc khai thác giá trị lễ hội, sự kiện; trao đổi kinh nghiệm của một số quốc gia, điểm đến thành công trong việc khai thác giá trị lễ hội, sự kiện ở các địa phương.

Quang cảnh hội thảo

Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu, ngành du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế những năm qua có sự tăng trưởng ấn tượng. Các địa phương này có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch như: con đường di sản miền Trung đi qua 3 địa phương với hệ thống di sản thế giới đồ sộ đã được UNESCO công nhận; hệ thống giao thông thuận lợi… Trong đó, Huế là cố đô duy nhất ở Việt Nam bảo lưu khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu... cùng hàng vạn hiện vật, cổ vật quý hiếm từ xưa để lại. Huế cũng là địa phương duy nhất trên cả nước có 7 di sản được UNESCO vinh danh; là nơi hội tụ đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh của đa dạng vùng miền, địa hình của Việt Nam (rừng núi, vùng đồi, đồng bằng, đầm phá, biển).

Tuy nhiên, ông Hà Văn Siêu cũng chỉ ra rằng, du lịch của 3 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong đầu tư, phát triển thị trường, xúc tiến du lịch. Điển hình như: sản phẩm dịch vụ du lịch thiếu tính cạnh tranh, tính liên kết chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của vùng; hạ tầng dịch vụ, cơ sở lưu trú du lịch chất lượng cao còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch…

Theo đó Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đề xuất, Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế cần lựa chọn một vài lễ hội, sự kiện tiêu biểu, đặc sắc, giàu giá trị để đầu tư bài bản cả về nội dung, quy mô, thời gian tổ chức và kết nối với điểm đến khác để hình thành tour du lịch hoàn chỉnh cung cấp cho du khách. Việc lựa chọn các lễ hội cần căn cứ vào tầm quan trọng, tính chất của lễ hội, giá trị của di tích; đồng thời căn cứ vào thời gian diễn ra lễ hội và khả năng kết nối với điểm đến trên địa bàn tỉnh để hình thành các tour. Hơn nữa, cần làm tốt công tác quảng bá lễ hội đến với du khách; nắm bắt xu hướng du lịch và nhu cầu của du khách để xúc tiến thị trường khách phù hợp với sản phẩm; kết nối doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour đưa khách về lễ hội; tổ chức đa dạng các dịch vụ phục vụ khách.

Tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình chia sẻ, thời gian qua, 3 địa phương có nhiều sự kiện nổi bật lớn để thu hút khách. Riêng với Đà Nẵng, ngay sau khi Chính phủ cho phép mở cửa hoạt động du lịch, thành phố đã tổ chức thành công sự kiện Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á (Routes Asia 2022), lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, lễ hội Tận hưởng mùa hè; lễ hội Du lịch golf Đà Nẵng…

Về du lịch MICE, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, sau Covid-19, ở Việt Nam, MICE là loại hình du lịch phát triển nhanh nhất. Sự phát triển nhanh về hạ tầng, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, sự ra đời của hàng loạt doanh nghiệp du lịch trẻ đã tạo động lực mạnh mẽ trong phát triển du lịch nói chung và du lịch MICE nói riêng. Trong đó, miền Trung trở thành trung tâm MICE hàng đầu của cả nước.

Trước đây, công việc chủ yếu của doanh nghiệp du lịch trong các sự kiện MICE là chăm sóc, đáp ứng nhu cầu của người tham dự. Ngày nay, công việc của du lịch MICE mở rộng hơn sang lĩnh vực tư vấn, tổ chức hoặc tham gia một phần tổ chức các hoạt động MICE, đòi hỏi doanh nghiệp kinh doanh MICE phải nâng cao năng lực, nghiệp vụ, kỹ năng tổ chức, đẩy mạnh hoạt động. Trong khi đó, việc đánh giá giá trị của lễ hội và sự kiện của miền Trung phải gắn liền với tài nguyên to lớn; khai thác giá trị di sản để phục vụ cho du lịch thông qua lễ hội và sự kiện là công việc hết sức quan trọng.

Vì vậy, theo ông Vũ Thế Bình, khi tiếp nhận hoạt động MICE, các doanh nghiệp du lịch cần nghiên cứu kỹ nội dung và mục tiêu của sự kiện, tốt nhất chỉ nên tập trung cung cấp các dịch vụ cho những người tham gia MICE. Để phát huy các giá trị của sự kiện và lễ hội, doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch cần hỗ trợ các vùng đất có lễ hội, hoạt động văn hóa truyền thống phát triển thành sản phẩm du lịch độc đáo của vùng, miền...

Bảo Ngọc (T/H)