Kế hoạch nhằm đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng và phát triển Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn với các nhiệm vụ tại Đề án thành lập, xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025. Bao gồm: điều tra, khảo sát, nghiên cứu bổ sung, đánh giá, xếp hạng các giá trị di sản (văn hóa, đa dạng sinh học, địa chất - địa mạo, địa văn hóa, khảo cổ học); lập kế hoạch quản lý CVĐC Lạng Sơn và xây dựng dự thảo hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn.
CVĐC Lạng Sơn được thành lập theo Quyết định số 2424/QĐ-UBND ngày 13/12/2021 của UBND tỉnh Lạng Sơn, gồm phạm vi hành chính của 5 huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng với tổng diện tích 3.845,8km2.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2022/2/23/cong-vien-dia-chat-lang-son-20220223122817153.jpg)
Công viên địa chất Lạng Sơn có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đậm nét vùng cao
Theo đánh giá từ chuyên gia, CVĐC Lạng Sơn nằm trên khu vực có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đậm nét vùng cao và đặc sắc về tín ngưỡng. Do đó, để quản lý và phát triển kinh tế bền vững, UBND tỉnh Lạng Sơn cần nghiên cứu rà soát thêm về công tác bảo vệ các vùng đá vôi bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số một cách hiệu quả và đặc sắc nhất, hướng đến mục tiêu người dân có thể sống được từ du lịch.
Cụ thể, những tập quán, truyền thống văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở khu vực công viên như cộng đồng dân tộc tại chỗ, các dân tộc thiểu số tại huyện Bắc Sơn là những di sản quý giá, có thể tận dụng để khai thác phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng.
Về lâu dài, tỉnh tiếp tục xây dựng quy hoạch tổng thể khu du lịch trọng điểm quốc gia với những nội dung cụ thể, bài bản, qua đó không chỉ nâng tầm du lịch Lạng Sơn mà còn góp phần nâng cao sinh kế cho đồng bào trong khu vực.
Trước mắt, theo kế hoạch xây dựng và phát triển công viên, UBND tỉnh Lạng Sơn đề cao trách nhiệm, công tác phối hợp của các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan trong triển khai, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về di sản.
Trong đó, chú trọng xây dựng và thực hiện chương trình tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trong CVĐC Lạng Sơn; xây dựng và triển khai chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản và CVĐC Lạng Sơn; tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế, tham gia các hoạt động của mạng lưới CVĐC toàn cầu của UNESCO; lập hồ sơ khoa học di tích trình xếp hạng cấp quốc gia năm 2022 đối với di chỉ khảo cổ học Hang Ba Xã (Phja Thạng) tại xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan.
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần tham khảo ý kiến chuyên gia tư vấn để xây dựng, đánh giá, hoàn chỉnh hồ sơ và triển khai công tác chuẩn bị đón đoàn thẩm định của UNESCO; triển khai các hoạt động nghiên cứu, tôn tạo, bảo tồn, phục dựng, đầu tư (trồng rừng, cải thiện vấn đề cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, bảo vệ hệ sinh thái rừng và động vật hoang dã trong vùng CVĐC...).