Văn hóa, du lịch

Phát triển bền vững ngành du lịch theo kinh nghiệm của Thụy Sĩ

Thứ tư, 28/6/2023 | 17:04 GMT+7
Nhằm giúp Việt Nam phát triển du lịch bền vững, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ đã tài trợ thực hiện dự án Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam (ST4SD).

Dự án có thời gian thực hiện từ năm 2023 – 2027, được đề xuất vào thời điểm quan trọng với ngành du lịch Việt Nam khi Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam và Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 mới được phê duyệt. Dự án cũng nhằm hỗ trợ giải quyết những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với ngành du lịch Việt Nam.

Theo đó, ST4SD sẽ củng cố tính bền vững và toàn diện của ngành du lịch Việt Nam thông qua ba kết quả tổng thể: hỗ trợ cấp quốc gia trong việc tích hợp nhu cầu ngành vào công tác xây dựng và triển khai các chính sách công thông qua kênh đối thoại công tư; xây dựng và phát triển chương trình đào tạo quản trị du lịch cho đối tượng trung và cao cấp với kinh nghiệm đến từ các chuyên gia hàng đầu của Thụy Sĩ. Từ đó, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành và hỗ trợ các điểm đến địa phương theo hướng quy hoạch, phát triển sản phẩm bền vững.

Hội thảo Xây dựng văn kiện dự án ST4SD

Phát biểu tại hội thảo Xây dựng văn kiện dự án ST4SD do Tổng cục Du lịch phối hợp với đối tác Thụy Sĩ tổ chức mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh, Thụy Sĩ là đất nước có ngành du lịch phát triển và nổi tiếng hàng đầu thế giới, có nhiều cảnh quan, tài nguyên du lịch tương đồng với Việt Nam như du lịch núi, du lịch nông thôn… Các cơ sở đào tạo du lịch tại Thụy Sĩ được biết đến là những trường đào tạo kỹ năng nghề uy tín, được nhiều du học sinh quốc tế lựa chọn học tập về: quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và chế biến, du lịch và lữ hành… trong đó có nhiều du học sinh Việt Nam.

Ông Hà Văn Siêu cho biết, dự án ST4SD có mục tiêu hỗ trợ xây dựng chính sách và quy hoạch phát triển du lịch bền vững phù hợp với tình hình thực tế du lịch Việt Nam. Thông qua dự án, doanh nghiệp và người dân địa phương trực tiếp làm du lịch có cơ hội nâng cao nhận thức, bồi dưỡng năng lực, hướng tới việc thay đổi ứng xử trong việc bảo vệ, quản lý và góp phần xây dựng môi trường sinh thái đa dạng hơn. Dự án cũng tập trung phát triển các mô hình kinh doanh, sản phẩm du lịch bền vững, hướng tới phát triển du lịch bền vững, toàn diện, tuần hoàn, gắn với bảo tồn thiên nhiên và nâng cao đời sống của người dân.

Để dự án mang lại hiệu quả tối đa cho ngành du lịch và các địa phương thụ hưởng, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đề nghị các thành viên Tổ công tác, đại diện các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện các Sở quản lý du lịch và các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch tích cực thảo luận, đóng góp xây dựng dự án nhằm đạt kết quả tốt nhất.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi, chia sẻ và trình bày các tham luận về đề xuất một số ý tưởng xây dựng chính sách du lịch bền vững tại Việt Nam; đánh giá sơ bộ về đào tạo du lịch, khách sạn ở Việt Nam; thực trạng du lịch có trách nhiệm ở địa phương và doanh nghiệp…

Bảo An