Hạ tầng xanh là mạng lưới các thành tố “xanh” được quy hoạch kết nối, bảo tồn, tăng cường, hoặc thiết lập nhằm giải quyết các tiêu cực của quá trình đô thị hóa. Hạ tầng xanh có nhiều chức năng khác nhau như: quản lý rủi ro ngập lụt, cải thiện chất lượng nước, chất lượng không khí, chất lượng đất, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe và hạnh phúc cho con người…
Ảnh minh họa
Theo Báo cáo đánh giá thực trạng phát triển hạ tầng đô thị xanh ở Việt Nam của Cục Hạ tầng kỹ thuật (thuộc Bộ Xây dựng) tại hội thảo trực tuyến với chủ đề “Phát triển hạ tầng đô thị xanh, an toàn, bền vững ở Việt Nam” diễn ra vào tháng 10/2021, tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức từ 2 - 3 m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên Hợp Quốc là 10m2 và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 - 25m2. Điều này có nghĩa là chỉ tiêu cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 đến 1/10 của thế giới.
Bên cạnh đó, tỷ lệ đất dành cho giao thông cũng quá thấp, hầu hết mới chỉ đạt dưới 10% đất xây dựng đô thị, trong khi đó tỷ lệ này phải đạt khoảng 20 - 26%. Mật độ đường thấp và phân bổ không đều, ở Thành phố Hà Nội và TPHCM đạt khoảng 2 - 4km/km2, trong khi chỉ tiêu quy định là 4 - 6km/km2. Diện tích dành cho giao thông tĩnh hạn chế, hầu hết chưa đạt đến 1% đất xây dựng đô thị, trong khi đó, theo quy định phải đạt từ 3 - 5% đất xây dựng đô thị. Hơn nữa, giao thông công cộng chưa đáp ứng yêu cầu, tại Hà Nội và TPHCM, khối lượng vận tải hành khách công cộng mới chỉ đáp ứng khoảng 10%. Việc tiếp cận, tham gia giao thông còn thiếu an toàn.
Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN 01:2021/BXD, trong đó có quy định yêu cầu về quy hoạch không gian xanh, đất cây xanh đô thị, tỷ lệ đất cây xanh trong các lô đất xây dựng công trình; TCVN 9257/2021 tiêu chuẩn quốc gia về quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị… Để hoàn thành mục tiêu, Cục Hạ tầng kỹ thuật đề xuất một số giải pháp như hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển công viên, cây xanh đô thị; ban hành cơ chế chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư phát triển và khai thác công viên đô thị; rà soát quỹ đất cây xanh, không gian xanh trong các đô thị, đảm bảo đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn và được quản lý tốt, tránh chuyển đổi mục đích sử dụng.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong việc trồng, chăm sóc, dịch chuyển cây xanh phân tán; kêu gọi các nhà tài trợ, hợp tác quốc tế, triển khai có hiệu quả các dự án ODA đầu tư cho quản lý, trồng và chăm sóc cây xanh đô thị…
Đối với phát triển giao thông đô thị, mục tiêu phấn đấu là đến năm 2025 tỷ lệ đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị phải đạt khoảng 11 - 16%. Khối lượng vận tải hành khách công cộng tại các đô thị lớn đáp ứng khoảng 25 - 30%. Để thực hiện mục tiêu, theo Cục Hạ tầng kỹ thuật cần đổi mới công tác quy hoạch đô thị, phát triển đô thị phù hợp với xu thế phát triển đô thị nén, đô thị thông minh, đô thị tại các đầu mối giao thông đô thị lớn (TOD). Bố trí đủ đất cho hệ thống giao thông theo quy hoạch; đổi mới nâng cao chất lượng quản lý, điều hành hệ thống giao thông; kiên quyết có lộ trình hợp lý kiểm soát sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân…