Nông nghiệp sạch

Phát triển hợp tác xã nông nghiệp bền vững

Thứ tư, 12/4/2023 | 14:04 GMT+7
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức tọa đàm "Phát triển hợp tác xã nông nghiệp bền vững" nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Hợp tác xã Việt Nam (11/4/1946 – 11/4/2023).

Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, hợp tác xã không chỉ là một thiết chế kinh tế đơn thuần mà còn là tư tưởng phổ quát, là sự hợp lực những thành viên có lợi thế khác nhau, để trở thành một thiết chế có lợi thế dựa vào quy mô lớn hơn, tối ưu hóa khả năng đóng góp, năng lực và lợi thế của mỗi thành viên.

Thời gian qua, cùng với việc mở rộng liên kết sản xuất, các hợp tác xã đã quan tâm đầu tư chế biến nông sản nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi giải quyết đầu ra sản phẩm cho các hộ nông dân. Hoạt động của hợp tác xã đã góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo mối liên kết hợp tác trong nội bộ hợp tác xã, đặc biệt góp phần tích cực vào ổn định chính trị, an sinh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Cơ chế hoạt động của hợp tác xã dựa trên góp vốn. Trong đó, niềm tin được coi là “nguồn vốn đặc biệt”, có thể đến từ năng lực lãnh đạo, cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và từ kết quả thu nhập, chất lượng sống của thành viên hợp tác xã.

Bộ trưởng nhấn mạnh, khi và chỉ khi có hợp tác xã bền vững thì chúng ta mới vượt qua thực trạng một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát; hướng đến hình thành chuỗi ngành hàng, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại tọa đàm "Phát triển hợp tác xã nông nghiệp bền vững"

Tại tọa đàm, ông Ninh Đức Hùng, trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng cho rằng, bản chất của hợp tác xã là loại hình kinh tế tập thể, phải dựa vào số đông, lấy sức mạnh của tập thể để chống lại sức ép của thị trường. Do đó, điều hành, quản trị hợp tác xã phải gây dựng được niềm tin giữa người với người, người với tổ chức.

Bàn về phương thức phát triển hợp tác xã, ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương nêu quan điểm, Việt Nam có gần 19.500 hợp tác xã nông nghiệp nên cấp thiết cần có hướng dẫn riêng để phát triển tương xứng loại hình này.

Xây dựng hợp tác xã nông nghiệp cần theo hình thức hợp sức, hợp vốn. Tuy nhiên, hợp tác xã vốn có tiềm lực, tài sản ít, vốn góp ít vì vậy việc đánh giá đúng kênh tín dụng nội bộ là cách thức hữu hiệu giải quyết vấn đề. Trước mắt, cần hướng dẫn để xây dựng tín dụng nội bộ, có quy chế hoạt động rõ ràng giúp hợp tác xã phát triển.

Mặt khác, các hoạt động hợp tác xã cung cấp dịch vụ cho thành viên cũng cần được miễn thuế, còn cung cấp ra bên ngoài có cơ chế đánh thuế. Có những quy định nằm trong hành lang pháp lý để hợp tác xã hoạt động tốt hơn nhưng không thể gò bó, bó chặt trong một khuôn khổ nhất định. Ngoài ra, bản chất hợp tác xã là hai thị trường bên trong và bên ngoài nên không được sử dụng các cơ chế để bắt hợp tác xã chỉ hướng đến nội bộ.

Đặc biệt, nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Hợp tác xã Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã có Thư chúc mừng chia sẻ niềm vui và những điều trăn trở đối với sự phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên cả nước.

Khánh An