Kinh tế xanh

Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ

Thứ bảy, 30/7/2022 | 17:30 GMT+7
Diễn đàn “Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ: Kết nối đầu tư - Hỗ trợ phục hồi và phát triển” đã vừa diễn ra với nhiều ý kiến đóng góp cho phát triển xanh khu vực.

Diễn đàn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam Bộ, cùng các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học và đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề…

Tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế và lựa chọn tất yếu, là một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được thịnh vượng toàn diện cho các quốc gia. Với Việt Nam, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Vùng Đông Nam Bộ được đề xuất định hướng trở thành vùng đi đầu về đổi mới mô hình tăng trưởng của cả nước, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để phù hợp hơn với vai trò, vị trí đầu tàu về kinh tế của cả nước.

Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn vùng Đông Nam Bộ

Do đó, diễn đàn là sự kiện nhằm góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác tuyên truyền về “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đồng thời, là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, các nhà đầu tư trong và ngoài nước về việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy hoạch phù hợp chính sách tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của nước ta; đưa kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ phát triển nhanh, bền vững, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự phát triển chung của đất nước.

Tại diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân… đã cùng thảo luận về nhiều vấn đề như: xu hướng kinh tế xanh trong thời điểm hiện tại; bài toán đặt ra cho sự phát triển chung của vùng Đông Nam Bộ; giải pháp để phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ; xây dựng cầu nối đầu tư giữa “cung” và “cầu” gắn với phục hồi xanh; các chính sách hỗ trợ sự phục hồi của doanh nghiệp và phát triển theo hướng “xanh hóa” các hoạt động kinh tế…

Ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, có 5 lĩnh vực cần ưu tiên để phục hồi và phát triển xanh sau đại dịch bao gồm: nông nghiệp xanh, sạch và ứng dụng công nghệ cao; phát triển đô thị và phương thức vận tải bền vững; chuyển đổi năng lượng sạch; áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn; gìn giữ đại dương sạch và hiệu quả.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, thách thức lớn nhất của khu vực Đông Nam Bộ trong phát triển kinh tế xanh là về vốn hoặc thể chế. Do đó, luật về kinh tế tuần hoàn cần có thể chế cụ thể, đặc biệt phải giải quyết được bài toán liên ngành, bởi nếu như không kết nối được các Bộ, ngành với doanh nghiệp thì việc phát triển kinh tế xanh rất khó để thực hiện.

“Chúng ta cần có những nghiên cứu sâu về các lĩnh vực khoa học, tài chính... biết được vai trò của doanh nghiệp, của Nhà nước, từ đó đưa ra sự cân bằng hài hòa. Đặc biệt, để thực hiện kinh tế tuần hoàn cần đẩy mạnh việc thí điểm, tùy vào từng khu vực, đối với từng cơ quan, ban ngành”, ông Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh.

Thanh Bảo