Năng lượng tái tạo

Phát triển năng lượng tái tạo ở Thừa Thiên Huế hiện tại và phát triển

Thứ ba, 10/11/2015 | 09:27 GMT+7

I. Mở đầu:

Năng lượng tái tạo (NLTT) là những nguồn năng lượng liên tục mà theo chuẩn mực của con người là vô hạn như năng lượng mặt trời, gió, mưa, thủy triều, sóng, địa nhiệt… Nguyên tắc cơ bản của việc sử dụng năng lượng tái sinh là tách một phần năng lượng từ các quy trình diễn biến liên tục trong môi trường và đưa vào trong các sử dụng kỹ thuật. Các quy trình này thường được thúc đẩy đặc biệt là từ Mặt Trời. Năng lượng tái tạo thay thế các nguồn nhiên liệu truyền thống trong 4 lĩnh vực gồm: phát điện, đun nước nóng, nhiên liệu động cơ, và hệ thống điện độc lập nông thôn.

Việc khai thác sử dụng những nguồn NLTT nhằm góp phần bảo vệ môi trường sống của trái đất và đặc biệt là bổ sung, thay thế dần cho những nguồn NL hóa thạch đang dần cạn kiệt là một xu thế tất yếu, một nhiệm vụ khoa học công nghệ được ưu tiên và mang tính chiến lược lâu dài không chỉ ở các nước công nghiệp phát triển mà cả ở nhiều nước đang phát triển.

Thừa Thiên Huế được Chính phủ định hướng phát triển đô thị Xanh, bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể; kiến trúc ; văn hoá phi vật thể của thành phố được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại; vì vây đâu tư; kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng Xanh là đúng và rất cần thiết .

II. Xu thế phát triển năng lượng tái tạo; Cơ sở pháp lý và chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam:

Để phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo, mở rộng phạm vi ứng dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng, Việt Nam đã thực hiện những biện pháp thiết thực, hiệu quả, có tính pháp lý và chính sách nhằm tạo ra những bước đột phá là:

a. Xây dựng và ban hành Luật về năng lượng tái tạo như: Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12.

b. Xây dựng mục tiêu, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển:

– Quyết định Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 79/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

– Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh số 1393/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

– Quyết định về phê duyệt quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo vùng Trung Bộ đến năm 2020 có xét đến năm 2030 số 5133/QĐ-BCT của Bộ Công Thương.

– Quyết định Phê duyệt Chương trình MTQG Sử dụng năng lượng TK&HQ giai đoạn 2012-2015 số 1427/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ.

III. Thành tựu phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh T.T. Huế.

a. Thủy điện:

Đã có 04 nhà máy thủy điện đang hoạt động tại tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng công suất 314,5MW (thủy điện A Lưới 170MW, thủy điện Hương Điền 81MW, thủy điện Bình Điền 44MW, thủy điện Tả Trạch 19,5MW) với điện lượng mỗi năm đóng góp cho lưới điện quốc gia trên 1 tỷ kWh.

Ngoài ra thủy điện A Roàng (công suất 7,2 MW) và thủy điện Thượng Lộ (công suất 6 MW) dự kiến đi vào vận hành cuối năm 2015, sản lượng điện sẽ tăng lên đáng kể.

Nhà máy Thủy điện Hương Điền.

b. Năng lượng mặt trời:

- Ứng dụng năng lượng mặt trời để đun nóng nước và thức ăn tại một vùng nông thôn của Thừa Thiên Huế.

- Ứng dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời công suất 1,5kW/hệ cho cho 2 tàu đánh cá của huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hệ thống được lắp đặt và đưa vào vận hành tháng 1 năm 2013, sau 1 năm đưa vào vận hành hệ thống hoạt động ổn định và đạt hiểu quả cao. Hệ thống đã hỗ trợ nguồn điện trên tàu nhằm phục vụ chiếu sáng, bơm nước nhằm thay thế một phần nguồn điện máy phát. Mỗi ngày hệ thống tiết kiệm cho chủ tàu đánh cá 20 lít đầu (mỗi chuyến đi biển 10 ngày là 200 lít dầu).

Hình ảnh ứng dụng điện năng lượng mặt trời 1,5kW/hệ cho tàu cá.

- Ứng dụng điện năng lượng mặt trời cho hệ thống nước nóng tại các Khách sạn lớn, điển hình là Khách sạn Sài Gòn – Morin có nhu cầu tiêu thụ khoảng 14.000 lít nước nóng mỗi  ngày.  Nếu  sử  dụng  bình  nước  nóng  năng  lượng mặt trời sẽ  tiết  kiệm khoảng 50 triệu đồng tiền điện mỗi tháng và hơn 600 triệu đồng trong 1 năm. Số tiền này tương ứng với số tiền đầu tư thiết bị trong thời gian ban đầu. Đó là chưa kể đến lợi ích sử dụng thiết bị lâu dài do tuổi thọ sử dụng của hệ thống bình nước nóng này là rất lớn.

- Cấp điện đảo Sơn Chà bằng năng lượng mặt trời có công suất 8.200Wp và 05 trụ đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời với tổng mức đầu tư 1,6 tỷ đồng (đưa vào sử dụng năm 2013).

- Ứng dụng đèn năng lượng mặt trời tại một số điểm giao thông: Đã ứng dụng thí điểm tại vị trí cột đèn số 3 và 4 tuyến chiếu sáng đường Tôn Đức Thắng, thành phố Huế. Đèn hoạt động ổn định và đảm bảo chiếu sáng liên tục vào ban đêm khi thời tiết mưa 4-5 ngày. Mỗi cột đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời lắp đặt thay thế cho đèn cao cáp sodium công suất 100W tiết kiệm được lượng điện tiêu thụ trên 1 năm là 438kWh/1 cột.

Hình ảnh ứng dụng đèn năng lượng mặt trời tại TP Huế.

c. Năng lượng sinh khối:

          – Ứng dụng công nghệ hầm biogas từ rác thải để tạo lượng chất đốt, chiếu sáng gia dụng hằng ngày, đồng thời giải quyết ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí sinh hoạt thúc đẩy xây dựng nông thôn mới xanh sạch đẹp.

Hình ảnh ứng dụng Biogas ở xã Quảng Vinh – Quảng Điền- Thừa Thiên Huế .

Từ việc vận hành thành công và mang lại hiệu quả kinh tế này, một cán bộ phường Thủy Xuân còn nảy sáng kiến dùng khí Biogas chiếu sáng các phố xa trung tâm phường về đêm.

Sản xuất viên nén năng lượng từ các phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, trấu, mùn cưa…đang được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tư xây dựng, đi đầu là Công ty TNHH TM&XNK Đinh Hương đã đi vào hoạt động tại Lô CDP 02, CDP 03, CDP 14, khu Công nghiệp La Sơn, Xã Lộc Sơn, Huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngoài ra vào ngày 11/12/2014 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Công văn số 7007/UBND-XDHT về việc chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Long Phụng đầu tư Dự án nhà máy sản xuất viên nén năng lượng để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu tại Khu công nghiệp La Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

IV. Tiềm năng năng lượng tái tạo tại tỉnh Thừa Thiên Huế:

1. Thủy điện:

Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh có tiềm năng về thuỷ điện nhỏ. Các dòng sông chính của tỉnh Thừa Thiên Huế là sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu và sông Truồi. Các sông này đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, sông ngắn, độ dốc cao, lòng sông hẹp, có nhiều ghềnh thác nhỏ.

Theo các quy hoạch được phê duyệt, toàn tỉnh có 21 dự án thuỷ điện với tổng công suất 459,5 MW. Trong đó, quy hoạch thuỷ điện bậc thang sông Hương gồm 4 dự án đã phát điện với tổng công suất khoảng 314,5 MW; quy hoạch thuỷ điện nhỏ toàn quốc của Bộ Công nghiệp phê duyệt (nay là Bộ Công thương) gồm 5 dự án với tổng công suất 33,2 MW; quy hoạch thuỷ điện nhỏ do UBND tỉnh phê duyệt gồm 12 dự án với tổng công suất 111,8 MW.

2. Năng lượng mặt trời:

Theo số liệu của Tổng Cục Khí tượng thuỷ văn, vùng Thừa Thiên Huế có giờ nắng bình quân năm và cường độ bức xạ mặt trời khá cao, cả năm có tới 1893,6 giờ nắng; bức xạ 4,33 kWh/m2/ngày. Với điều kiện bức xạ và số giờ nắng trên, từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm đạt các tiêu chí về bức xạ và số giờ nắng sử dụng các dàn pin mặt trời cho hiệu quả tốt.

3. Năng lượng gió:

Gió trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên cũng khá tốt cho việc sử dụng năng lượng, vận tốc gió > 7m/s, xuất hiện ở cả vùng núi phía Tây và vùng ven biển.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, có một vài đỉnh của sống núi thuộc dãy Trường Sơn có gió rất tốt, vận tốc gió nằm trong khoảng 8,5 đến 9,5 m/s, nhưng khả năng tiếp cận những khu vực này rất khó khăn. Tuy nhiên, tồn tại những vị trí khả năng tiếp cận được, thuận lợi cho việc phát triển điện gió.

Có khu vực đặc biệt là con đèo rộng lớn thẳng về phía Tây của Huế tại biên giới Việt –Lào, nơi mà độ cao so với mực nước biển trong khoảng 400-800m nhưng vận tốc gió trung bình đạt từ 7 đến 8 m/s. Có thể tìm thấy gió tốt như vậy ở trên các đỉnh của các sống núi có độ cao từ 800-1200 m so với mực nước biển ở phía Đông của dãy Trường Sơn.

Khu vực đồng bằng ven biển ở phía Bắc Huế và Mũi Chân Mây có những cơn gió thuộc loại khá, vận tốc gió ở độ cao 30m là 5,5-6,0m/s, có thể vượt quá 6,0m/s ở vị trí sát bờ biển. Qua đó cho thấy, Thừa Thiên Huế có tiềm năng trong việc phát triển điện gió sử dụng các loại tua bin gió cỡ nhỏ và vừa, chủ yếu ở ven bờ (khoảng 1700-4200 kWh/m2/năm, gió địa hình khoảng 2000-3000 kWh/m2/năm).

Điều đó cho thấy, tiềm năng phát triển các loại tua bin gió cỡ nhỏ và vừa ở địa bàn Thừa Thiên Huế là rất khả thi.

4. Các nguồn năng lượng khác:

a. Năng lượng sinh khối.

Thực tế cho thấy tiềm năng năng lượng sinh khối ở tỉnh Thừa Thiên Huế là khá lớn. Nguồn năng lượng khí sinh học là nguồn nhiên liệu được dùng để đun nấu, thắp sáng và sản xuất điện năng. Nguồn nguyên liệu để sản xuất khí sinh học là các loại chất hữu cơ có nguồn gốc động vật, các loại phụ phẩm cây trồng thích hợp với công nghệ sản xuất khí sinh học. Năng lượng khí sinh học không chỉ là nguồn nhiên liệu năng lượng rất hữu ích mà còn là một trong những giải pháp chủ yếu bảo vệ môi trường nông thôn. Điều này đặc biệt quan trọng vì Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng có 80% dân sống ở nông thôn và chăn nuôi ngày càng phát triển theo xu thế tập trung. Trong nhiều năm qua, hàng nghìn hầm Biogas quy mô gia đình đã được xây dựng mang lại hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường rõ rệt ở nông thôn nước ta.

b. Về địa nhiệt:

Thừa Thiên Huế hiện đang có 02 điểm nguồn nước nóng, đó là nước nóng Thanh Tân và nước nóng Mỹ An. Tuy nhiên cả hai nguồn nước nóng này mới chỉ được sử dụng địa nhiệt với mục đích chữa bệnh chứ chưa được sử dụng với mục đích phát điện.

c. Về năng lượng biển:

Thừa Thiên Huế có gần 120km chiều dài đường bờ biển với hàng triệu km2 mặt biển rộng lớn có khả năng khai thác sử dụng các nguồn năng lượng biển như năng lượng gió trên biển, năng lượng sóng biển, thủy triều, năng lượng dòng hải lưu, nhiệt biển… nhưng rất tiếc là cho đến nay chưa có điều tra cơ bản nên chưa đánh giá được chính xác tiềm năng các nguồn năng lượng nói trên.

V. Các dự án về năng lượng tái tạo kêu gọi đầu tư  ở tỉnh Thừa Thiên Huế.

Từ tiềm năng và thành tựu nghiên cứu triển khai trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, chúng tôi kiến nghị một số nội dung nhiệm vụ cần được đầu tư nghiên cứu ở Việt Nam nói chúng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng như sau:

1. Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển NLTT, xúc tiến xây dựng và ban hành Luật NLTT.

a. Về năng lượng gió:

Hiện tại Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.

Bộ Tài chính cũng đã ban hành thông tư số 96/2012/TT-BTC ngày 08 tháng 6 năm 2012 về Hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ giá điện đối với dự án điện gió nối lưới. Thông tư này hướng dẫn việc Nhà nước hỗ trợ giá điện đối với dự án điện gió nối lưới thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam theo quy định tại Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Tuy nhiên, các mức giá hỗ trợ mới chỉ dành cho đối tượng bên mua điện chứ chưa có những hỗ trợ cần thiết cho chủ đầu tư dự án điện gió.

Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 32/2012/TT-BCT ngày 12 tháng 11 năm 2012 về việc Quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán  điện mẫu cho các dự án điện gió. Thông tư cũng đã nêu tới việc hỗ trợ phát triển dự án điện gió, các quy định về việc lập hồ sơ xin hỗ trợ.

b. Các nguồn năng lượng khác: Tuy nhiên một số nguồn NLTT có tiềm năng lớn như năng lượng mặt trời và năng lượng sinh khối vẫn chưa có Luật hỗ trợ.

2. Điều tra cơ bản đánh giá tiềm năng kỹ thuật các nguồn NLTT của tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là nhiệm vụ cần được Nhà nước đầu tư.

3. Định hướng phát triển NLTT

a. Định hướng chung: nhanh chóng phát triển có hiệu quả việc khai thác các nguồn NLTT sẵn có của tỉnh Thừa Thiên Huế bổ sung cho hệ thống năng lượng, điện khí hóa vùng ngoài lưới điện quốc gia và góp phần bảo vệ môi trường.

b. Định hướng cụ thể đối với một số nguồn có triển vọng lớn.

- Thủy điện: Phát triển thủy điện với mục tiêu phát triển bền vững. Cụ thể gồm các biện pháp sau đây:

   + Loại bỏ dự án hiệu quả thấp: Trước đây, khi thuỷ điện ồ ạt theo trào lưu, chỗ nào có tiềm năng phát triển thuỷ điện đều được khảo sát, đưa vào quy hoạch. Một số nhà đầu tư không có kinh nghiệm và năng lực tài chính yếu cũng tranh thủ “xí phần” dẫn đến “loạn” thuỷ điện. Tuy nhiên, sau quá trình triển khai thực hiện các nhà quản lý đã nhận rõ hơn những tác động tiêu cực nhiều mặt từ thủy điện. Các nhà đầu tư chạy theo phong trào cũng “ngộ” ra, đầu tư thủy điện không đơn giản và chẳng dễ ăn chút nào, nên “bỏ của chạy lấy người”, dẫn đến tình trạng dự án treo, triển khai cầm chừng hoặc phải thay đổi chủ đầu tư, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư và đời sống người dân vùng dự án. Chính vì vậy, việc rà soát đánh giá hiệu quả kinh tế, tác động môi trường của các dự án thủy điện và năng lực các nhà đầu tư được xiết chặt hơn.

      Mấy năm vừa qua, tỉnh đã tích cực rà soát quy hoạch, đánh giá hoạt động các dự án đầu tư thủy điện và mới đây đã loại khỏi quy hoạch 7 dự án thủy điện công suất nhỏ hiệu quả thấp; thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án thủy điện Sông Bồ. Đồng thời, rà soát việc điều chỉnh thiết kế một số dự án nhằm giảm diện tích đất bị ngập và giảm số hộ dân phải tái định cư. Chẳng hạn thủy điện Thượng Lộ Nam Đông sau khi điều chỉnh số hộ phải thu hồi đất giảm từ 75 hộ xuống còn 48 hộ; diện tích hồ chứa từ 197 ha còn lại 46,3 ha (giảm 76,6%)… Bên cạnh đó, một số dự án thủy điện chiếm diện tích đất lớn cũng được rà soát, cân nhắc trong đầu tư, như thủy điện Rào La 4 có công suất lắp máy 12MW, nhưng diện tích đất bị chiếm bình quân lên đến 15,87 ha/1MW (chuẩn cho phép dưới 10 ha/1MW).

    + Chặt chẽ trong xây dựng, vận hành: Chất lượng công trình thủy điện không chỉ là việc thi công, mà liên quan đến cả 3 giai đoạn: Trước khi thi công (khảo sát, thiết kế), trong quá trình thi công (đơn vị thi công, giám sát thiết kế, giám sát công trình) và quá trình vận hành. Các công việc này được các đơn vị liên quan thực hiện rất bài bản, nhưng thực tế vẫn xảy ra những sự cố đáng tiếc ở các giai đoạn. Chẳng hạn, thủy điện Đakrông (Quảng Trị) vỡ đập do thi công không đảm bảo; thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) gặp sự cố trong quá trình vận hành, do gỗ to trôi theo lụt về vướng cửa xả… Vì vậy, công tác quản lý Nhà nước trong quá trình xây dựng thủy điện cần được tăng cường và giám sát chặt chẽ.

      Đặc biệt, trong quá trình vận hành nếu không tuân thủ chặt chẽ quy trình sẽ dẫn đến tình trạng không tích đủ nước phát điện, tưới tiêu hoặc mất tác dụng cắt lũ, làm lũ chồng lên lũ, gây thiệt hại cho hạ du. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do công tác dự báo chưa chính xác về lưu lượng mưa, thời gian lũ về sớm dẫn đến xả không kịp phải xả tràn, làm mất tác dụng ngăn lũ. Ngoài ra, do chưa có quy trình vận hành liên hồ chứa nên cắt lũ chưa hiệu quả. Điều này hiện đã được khắc phục, khi Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hương.

- Năng lượng gió: Phát triển điện gió vùng biển ven bờ cấp điện cho bán đảo và bổ sung cho hệ thống điện quốc gia; Phát triển điện gió quy mô vừa và nhỏ kết hợp các nguồn khác cấp điện bền vững cho các vùng ngoài lưới điện; Nghiên cứu khai thác nguồn điện gió trên biển gần bờ.

Từng bước hình thành ngành công nghiệp chế tạo thiết bị điện gió với lộ trình thích hợp thông qua hợp tác với nước ngoài, tiến tới làm chủ công nghệ. Chủ động làm chủ công nghệ và chế tạo điện gió quy mô nhỏ.

- Năng lượng mặt trời: Hỗ trợ phát triển điện năng lượng mặt trời đấu lưới với mọi quy mô và công nghệ thích hợp. Nghiên cứu phát triển công nghệ lai ghép điện năng lượng mặt trời với các nguồn năng lượng khác để cấp điện bền vững cho vùng ngoài lưới điện quốc gia; Phát triển mạnh mẽ sử dụng năng lượng nhiệt mặt trời phục vụ phát triển kinh tế xã hội, tập trung chủ yếu vào phát triển thiết bị đun nước nóng cho các hộ gia đình với công nghệ hoàn toàn do Việt Nam chế tạo.

- Phát triển năng lượng khí sinh học: Tiếp tục phát triển ứng dụng rộng rãi công nghệ Biogas quy mô gia đình, đặc biệt quy mô trang trại sử dụng phế thải chăn nuôi có thể phát điện; Nghiên cứu phát triển công nghệ Biogas từ các nguồn phế thải hữu cơ tại đô thị, các vùng chuyên canh cây trồng, các nhà máy chế biến hoa quả..Nghiên cứu hoàn thiện và làm chủ công nghệ phát điện từ nguồn rác thải đô thị.

VI. Kết luận và kiến nghị

1. Kết luận:

a. Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng có nhiều loại NLTT, một số nguồn có tiềm năng lớn. Trong bối cảnh hội nhập quôc tế hiện nay, với chính sách hỗ trợ hợp lý của chính phủ, tranh thủ tối đa sự giúp đỡ và hợp tác quốc tế, chắn chắn có thể nhanh chóng phát triển nguồn năng lượng sẵn có có và qúy giá này, góp phần phát triển bền vững hệ thống năng lượng Việt nam.

b. Nhìn chung cho đến nay, Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng chưa được Nhà nước đầu tư cho nhiệm vụ điều tra cơ bản một cách khoa học, có hệ thống để đánh giá chính xác tiềm năng các nguồn NLTT trên phạm vi cả nước, do đó chưa có cơ sở khoa học tin cậy xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển lâu dài các nguồn NLTT ở nước ta.

c. Những nghiên cứu triển khai trong nhiều năm qua rất đa dạng, đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, thể hiện những nỗ lực cố gắng rất lớn của các nhà khoa học, tuy nhiên kết quả đạt được còn quá nhỏ bé, manh mún, phân tán, ít hiệu quả, quy mô nhỏ và chưa bền vững, chủ yếu là các mô hình cấp điện cho nhu cầu sinh hoạt tối thiểu cho dân cư vùng sâu vùng xa. Nhiều đề tài, dự án đã được triển khai ứng dụng cho vùng xâu vùng xa, tuy nhiên cho đến nay chưa xác định được giải pháp công nghệ cấp điện nào thích hợp, bền vững đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cho vùng ngoài lưới điện quốc gia.

d. Nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứu triển khai cho lĩnh vực NLTT còn quá nhỏ bé và rất phân tán, hiệu quả sử dụng thấp. Có thể nói NLTT luôn được chính phủ quan tâm trong nhiều năm qua, tuy nhiên chủ yếu mới chỉ là chủ trương, định hướng, chưa có những giải pháp thiết thực, cụ thể, có hiệu quả, mang tính tổng thể, do đó NLTT ở nước ta chưa phát triển, chưa có vai trò trong hệ thống năng lượng Việt Nam.

e. Việt Nam mới chỉ có cơ sở pháp lý, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho năng lượng gió, còn các dạng NLTT còn lại vẫn chưa có. Đây là một vấn đề lớn có tính then chốt cần sớm giải quyết để phát triển nhanh chóng và có hiệu quả các nguồn NLTT sẵn có và quý giá này ở nước ta.

f. Nền công nghiệp chế tạo thiết bị NLTT chưa hình thành, do đó phải nhập khẩu thiết bị công nghệ, nên giá thành vốn đã cao lại càng cao hơn, hạn chế rất lớn đến khả năng ứng dụng rộng rãi cho vùng nông thôn Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng.

2. Kiến nghị:

Để có thể phát triển được nhanh chóng rộng rãi và có hiệu quả nguồn NLTT rất sẵn có này, Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng cần được triển khai ngay một số vấn để có tính then chốt sau đây:

a. Xây dựng các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là Luật NLTT nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi có tính đột phá để đẩy mạnh khai thác sử dụng các nguồn NLTT của Việt Nam. Có thể nói chỉ khi được sự quan tâm thực sự của Nhà nước bằng những hành động cụ thể được luật hóa thì mới tạo được thị trường cho NLTT phát triển.

b. Cần tiến hành ngay nhiệm vụ điều tra cơ bản đánh giá tiềm năng tất cả các nguồn NLTT, trước mắt ưu tiên cho các nguồn có tiềm năng lớn, có tính khả thi cao như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối, năng lượng biển. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng trước tiên cần phải làm một cách khoa học, có hệ thống trong phạm vi cả nước trên cơ sở có tiếp thu những thành quả đã đạt được.

c. Cần phải xác định phát triển NLTT là một nhiệm vụ khoa học công nghệ ưu tiên, là một giải pháp quan trọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, do đó cần sớm hình thành chương trình khoa học công nghệ trọng điểm về năng lượng mới và tái tạo.

d. Tiến hành đào tạo nguồn nhân lực cho chuyên ngành NLTT.

e. Nhà nước cần giao nhiệm vụ và đạt hàng cho một cơ quan khoa học làm đầu mối phối hợp với các lực lượng khoa học trong cả nước thực hiện các nhiệm vụ nêu trên và tổ chức hợp tác quốc tế, tránh tình trạng  mạnh ai nấy làm rất kém hiệu quả, lãnh phí nguồn nhân lực, kinh phí và thời gian như hiện nay.

Nguồn: ecchue.gov.vn