Năng lượng tái tạo

Phát triển năng lượng thông minh: Ưu tiên chiến lược trong chuyển đổi số quốc gia

Thứ tư, 2/10/2019 | 19:49 GMT+7
Đó là chủ đề của một trong những hội thảo chuyên đề của diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 2 – 3/10.

Sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành tổ chức. Đây là sự kiện quốc tế được tổ chức với mục đích chủ yếu: công bố những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành đẩy mạnh triển khai tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0; tạo cơ hội cho trao đổi, tiếp nhận các ý kiến của chuyên gia trong nước và quốc tế về chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai có hiệu quả cuộc CMCN 4.0 tại Việt Nam...

Chuỗi hội thảo chuyên đề diễn ra vào chiều 2/10 tập trung vào 5 chủ đề chính bao gồm: ngân hàng thông minh; thành phố thông minh; sản xuất thông minh, năng lượng thông minh và kinh tế số.

Chuyên đề năng lượng thông minh với phiên thảo luận có chủ đề “ Phát triển năng lượng thông minh: Ưu tiên chiến lược trong chuyển đổi số quốc gia” do ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương và đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương chủ trì tập trung thảo luận về tiềm năng phát triển năng lượng thông minh, kinh nghiệm ứng dụng công nghệ trong quản lý năng lượng hiệu quả trong tiến trình chuyển đổi số.

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Cao Đức Phát cho biết: “Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nỗ lực phấn đấu để sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để thực hiện mục tiêu trên, việc đảm bảo nhu cầu năng lượng cho sự phát triển của đất nước có vai trò quan trọng. Cuộc CMCN lần thứ 4 đang mở ra nhiều cơ hội cho các nước, đặc biệt các nước đang phát triển như Việt Nam nâng cao năng suất và rút ngắn khoảng cách phát triển. Việc tiếp cận, nắm bắt những thành tựu công nghệ mới để đẩy mạnh công nghiệp hóa đất nước theo hướng thông minh, hiệu quả và bền vững là yêu cầu tất yếu. Đặc biệt, đối với ngành năng lượng là ngành kỹ thuật cao, mang tính nền tảng trong kết cấu hạ tầng quốc gia.

Hiện nay, năng lượng thông minh không chỉ còn là khái niệm mang tính học thuật mà đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều mặt của sản xuất, tiêu dùng và đời sống xã hội. Phát triển năng lượng thông minh ngày nay đang là xu thế rõ nhất và cũng là kết quả cụ thể của cuộc CMCN lần thứ 4; đã từng bước làm thay đổi ngành năng lượng truyền thống, tạo ra những thành quả to lớn, mang tính đột phá trong việc phát triển các nguồn năng lượng, nhất là những nguồn năng lượng mới, tái tạo cũng như trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả".

“Nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng và thực thi chiến lược phát triển năng lượng thông minh gắn với nền kinh tế số. Theo đó, một trong những điều kiện cơ bản là phải thực hiện tốt chiến lược chuyển đổi số quốc gia, cũng là nơi chuyển đổi số cho ngành năng lượng. Đây chính là nền tảng quan trọng để phát triển năng lượng thông minh theo hướng bền vững và hiệu quả. Đối với Việt Nam, đây là thách thức lớn trong bối cảnh hạ tầng số còn kém phát triển, cơ chế chính sách và nguồn lực thực hiện rất hạn chế. Chính vì lẽ đó, hội thảo là cơ hội trao đổi, thảo luận về một số nội dung liên quan đến phát triển năng lượng thông minh gắn với chiến lược chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0”, ông Phát chia sẻ.

Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công Thương và đại điện các doanh nghiệp năng lượng, nhà cung cấp công nghệ thông tin cùng chia sẻ, đề xuất các chính sách, giải pháp để tháo gỡ rào cản, thúc đẩy phát triển năng lượng thông minh tại Việt Nam trong thời gian tới; tạo cơ sở để thúc đẩy chuyển số cho ngành năng lượng nước ta.

Mạnh Phúc