Kinh tế xanh

Thành lập thị trường carbon, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu

Thứ sáu, 12/7/2024 | 15:32 GMT+7
Ngày 12/7, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp báo cáo về Đề án thành lập thị trường carbon.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay, nhiều nước đã thiết lập thị trường carbon, từng bước hình thành hàng rào kỹ thuật, chính sách thuế liên quan đến carbon đối với hàng hóa nhập khẩu. Với tiềm năng lớn về tín chỉ carbon, Việt Nam không thể đứng ngoài. Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ điều kiện cần thiết để hình thành thị trường tín chỉ carbon, nhiệm vụ của từng Bộ, ngành, những khó khăn, vướng mắc để xây dựng lộ trình triển khai đồng bộ sau khi Đề án thành lập thị trường carbon được ban hành.

Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, mục tiêu chung của đề án là phát triển thị trường carbon tuân thủ tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp

Hàng hóa thị trường carbon gồm: hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Dự kiến, lộ trình triển khai thị trường carbon gồm 2 giai đoạn: giai đoạn thí điểm (năm 2025 - 2027); giai đoạn vận hành chính thức từ năm 2028 và giai đoạn sau năm 2030.

Chủ thể tham gia giao dịch hạn ngạch là các cơ sở phát thải khí nhà kính được phân bổ hạn ngạch. Chủ thể tham gia giao dịch tín chỉ carbon gồm tổ chức thực hiện chương trình, dự án tạo tín chỉ carbon trong nước hoặc thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế; tổ chức và cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon; tổ chức hỗ trợ giao dịch.

Đề án đưa ra các nhóm giải pháp cần thực hiện là: kiểm kê khí nhà kính và phân bố hạn ngạch phát thải khí nhà kính; quản lý tín chỉ carbon; hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; quản lý, kiểm tra, giám sát; nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực. Các nhiệm vụ cụ thể bao gồm: hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật; xây dựng hệ thống giao dịch và tổ chức, vận hành thị trường carbon; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về thị trường carbon cho các đối tượng.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về những vấn đề đặt ra khi hình thành thị trường carbon như: tạo cung - cầu; đánh giá tác động đối với doanh nghiệp, ngành kinh tế; hàng lang pháp lý; mô hình và kinh nghiệm của các nước…

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, việc phát triển thị trường carbon có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam đối với quốc tế về giảm phát thải ròng khí nhà kính, cũng như thích ứng với những chuyển động nhanh của các thị trường xuất khẩu lớn, quan trọng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Vì vậy, ban soạn thảo Đề án thành lập thị trường carbon cần bổ sung, hoàn thiện, phân tích kỹ lưỡng, toàn diện tình hình khu vực, thế giới và trong nước, làm rõ sự cần thiết của thị trường carbon, bảo đảm chủ động trong thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, từng bước theo kịp với các tiêu chuẩn kỹ thuật mới liên quan đến khí thải áp dụng cho hàng hóa.

Trước hết, Bộ Tài chính cần xác định được mô hình, tổ chức, hoạt động, quản lý của thị trường carbon; sớm nghiên cứu hệ thống thuế carbon tương thích với các nước, theo nguyên tắc đối đẳng. Trên cơ sở NDC, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện phân bổ hạn ngạch phát thải cho từng lĩnh vực, ngành nghề, doanh nghiệp; hướng dẫn các Bộ, ngành, doanh nghiệp, tổ chức tư vấn về công thức tính toán, đo đạc, thống kê báo cáo, thẩm định… hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon. Từ đó, cụ thể hóa thành quy định kỹ thuật để giám sát hạn ngạch phát thải cũng như kế hoạch giảm phát thải trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý…

Việt Nga (T/H)