Kinh tế xanh

Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế biển khu vực miền Trung, Tây Nguyên

Thứ sáu, 26/7/2024 | 16:29 GMT+7
Trong 2 ngày 26 - 27/7, tại Đà Nẵng, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ V”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật thành phố Đà Nẵng cho biết, phát triển bền vững kinh tế biển vùng duyên hải miền Trung có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế biển của cả nước, bởi đây là khu vực có 14/28 tỉnh, thành phố giáp biển, với bờ biển dài gần 2.000km, chiếm hơn 55% bờ biển của cả nước.

Biển khu vực miền Trung có vùng thềm lục địa, ngư trường đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản rộng lớn, nhiều khu bảo tồn biển có giá trị với tổng diện tích vùng biển đã được bảo tồn chiếm khoảng 0,175% vùng biển tự nhiên Việt Nam.

Tuy nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học biển Việt Nam nói chung và khu vực duyên hải miền Trung nói riêng đang còn nhiều hạn chế. Các hệ sinh thái biển hiện đứng trước nhiều mối đe dọa và rủi ro ngày càng tăng từ hoạt động phát triển của con người như: khai thác quá mức, khai thác bằng các ngư cụ trái phép; ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản, rác thải nhựa; tác động do đô thị hóa nhanh, khai thác vùng ven bờ quá mức…

Quang cảnh hội thảo

Từ thực tế đó, thông qua hội thảo với chủ đề “Bảo tồn biển”, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật thành phố Đà Nẵng đề xuất cần có những giải pháp phù hợp cho công tác bảo tồn biển từ chính sách đến thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của các bên liên quan để cùng chung tay hành động, hiện thực hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 389/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và những cam kết quan trọng của Việt Nam với quốc tế liên quan đến bảo tồn biển, kinh tế biển xanh và bền vững.

Tại phiên toàn thể, các đại biểu đã chia sẻ nhiều báo cáo quan trọng như: đồng quản lý với công tác bảo tồn và phát triển bền vững; quy hoạch không gian biển và phát triển kinh tế biển ở Việt Nam; quy hoạch bảo tồn biển Việt Nam; OECM - cơ hội mới cho bảo tồn biển ở Việt Nam; kinh nghiệm về bảo tồn biển gắn với phát triển du lịch...

Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Thủy sản Việt Nam, Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xem là bước cụ thể hóa, hiện thực hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy hoạch không gian biển, cần tôn trọng sự điều tiết của “thị trường” trong việc lựa chọn ngành hàng, sản phẩm hàng hóa tiêu biểu của từng ngành, lĩnh vực để khai thác, sử dụng các phân khu không gian biển được giao hoặc cấp phép.

Về bảo tồn đa dạng sinh học các vùng biển Việt Nam, ông Nguyễn Thành Vĩnh, Trưởng phòng Quản lý di sản thiên nhiên, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Việt Nam là một trong 168 bên tham gia Công ước đa dạng sinh học (CBD). Hiện nay, Việt Nam đang thúc đẩy triển khai thực hiện những nhiệm vụ của Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học và các hoạt động thực hiện mục tiêu khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF) liên quan đến các biện pháp bảo tồn khu vực hiệu quả khác (OECM); thể chế hóa những tiêu chí, quy trình xác định và hướng dẫn xác lập, quản lý các khu vực bảo vệ hiệu quả khác ngoài khu bảo tồn; điều tra tổng thể, đánh giá, xác định các loại hình OECM và danh mục OECM tiềm năng trên phạm vi cả nước…

Thanh Bảo (T/H)