Kinh tế xanh

Thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững năm 2024

Chủ nhật, 28/7/2024 | 01:09 GMT+7
Mới đây, tại Hà Nội, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) đã vừa phối hợp tổ chức diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững năm 2024”.

Diễn đàn nằm trong khuôn khổ chương trình “Thúc đẩy sản xuất – Tiêu dùng bền vững 2024”. Sự kiện diễn ra trong giai đoạn Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh phát triển bền vững tất các ngành nghề, lĩnh vực nhằm đạt được mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường theo Quyết định 1658/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện môi trường trên thị trường

Theo đó, cùng với việc tạo cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất xanh, sản xuất bền vững thì cần chú trọng nâng cao nhận thức, phát huy sự tham gia từ phía người tiêu dùng trong việc thực hành tiêu dùng bền vững và đồng hành với doanh nghiệp để cùng đạt được các kết quả bền vững.

Tại diễn đàn, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội khẳng định, sản phẩm xanh - tiêu dùng xanh đang là xu thế thị trường, cần tiếp tục hình thành thói quen tiêu dùng xanh trong đời sống thường nhật để sản phẩm xanh ngày càng phát triển thị phần.

Ông Tạ Đình Thi cho rằng, cần ngăn chặn tình trạng lợi dụng, mượn danh sản phẩm xanh để gây thiệt hại cho người tiêu dùng, ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đồng thời, cần tiếp tục hoạch định, hoàn thiện các chính sách về sản phẩm xanh - tiêu dùng xanh.

Theo ban tổ chức, chương trình là cơ hội để các bên nắm bắt tình hình thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp, mức độ nhận biết của người tiêu dùng về sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện môi trường. Việt Nam đang dần chuyển hướng sang các mô hình sản xuất, tiêu dùng thân thiện hơn với môi trường, ít gây ô nhiễm. Điều này được thể hiện qua việc áp dụng những công nghệ sản xuất sạch hơn, tái chế, tái sử dụng nguyên liệu, giảm thiểu chất thải. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đang nâng cao cam kết và hành động về phát triển bền vững như sử dụng nguyên liệu tái chế, thiết kế sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng tiêu chuẩn quản lý môi trường.

Đây cũng là cầu nối để ghi nhận thông tin, tham khảo ý kiến phân tích, đánh giá đa chiều từ phía nhà quản lý, chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời đề xuất những giải pháp có tính chiến lược, kịp thời nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững tại Việt Nam.

Các ý kiến đóng góp giúp nhận diện đầy đủ thách thức, xu hướng mới trong sản xuất, tiêu dùng bền vững ở Việt Nam. Từ đó, khuyến khích các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân áp dụng khoa học, công nghệ và thay đổi phương thức quản lý nhằm hướng đến sản xuất sạch hơn, cũng như định hướng, thay đổi hành vi tiêu dùng hướng đến tiêu dùng bền vững tại Việt Nam; đề xuất những chính sách, giải pháp mới mang tính đột phá, khả thi để Việt Nam có thể nhanh chóng chuyển dịch sang mô hình sản xuất, tiêu dùng thân thiện với môi trường.

Trong khuôn khổ diễn đàn còn có các hoạt động bên lề như triển lãm với 30 gian hàng, quy tụ gần 20 doanh nghiệp, đơn vị đến từ trong và ngoài nước; talkshow "Công nghệ xanh cho sản xuất - tiêu dùng bền vững" chia sẻ về những ứng dụng, lợi ích của công nghệ xanh trong sản xuất bền vững và những tác động của thương mại điện tử trong tiêu dùng xanh, bền vững.

Huyền Dung (T/H)