Nông nghiệp sạch

Phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với yếu tố cộng đồng

Thứ năm, 17/8/2023 | 14:30 GMT+7
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức tọa đàm "Vai trò cộng đồng trong thực hiện Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn".

Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, điều phối viên quốc gia, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) cho biết, UNDP đang thực hiện 1.771 dự án với kinh phí 63 triệu USD tài trợ 163 quốc gia về phát triển cộng đồng gồm: bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, ngăn ngừa thoái hóa đất và hoang mạc hoang hóa, quản lý rừng bền vững, quản lý rác thải, rác thải nhựa.

Tại Việt Nam, các chương trình của UNDP triển khai trong gần 30 năm qua đã có những tác động tích cực tới cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong phát triển môi trường và sinh kế bền vững.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ, UNDP trao quyền cho cộng đồng tại khâu thiết lập sáng kiến và hiện thực hóa theo phương châm “Cộng đồng tham gia, cộng đồng làm chủ, cộng đồng hưởng lợi”. Chỉ khi nào cộng đồng chủ động tham gia và làm chủ sáng kiến thì khi đó mới phát huy hiệu quả của các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, UNDP thúc đẩy việc trao quyền cho cộng đồng để gắn kết, phát huy tinh thần trách nhiệm của cộng đồng với xã hội, môi trường và thế hệ tương lai.

Ngoài ra, điều phối viên của UNDP cũng lưu ý, muốn nhân rộng mô hình cộng đồng trong Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn, phải xây dựng và phát triển được yếu tố về con người. Trong đó có cá nhân, nhóm người trong cộng đồng có nhu cầu hợp tác, liên kết, với sự dẫn dắt của cán bộ quản lý Nhà nước, cùng các yếu tố văn hóa, phong tục, tập quán.

Quang cảnh tọa đàm

Theo ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, có thể phát triển các mô hình liên kết từ sản xuất hợp tác xã đến phát triển du lịch, bảo vệ làng nghề, văn hóa truyền thống bản địa. Khi có các tiêu chuẩn, quy chế, chúng ta sẽ tập trung hỗ trợ vào cộng đồng đã đạt được tiêu chí, từ đó nhân rộng nhanh hơn các mô hình.

Ông Cao Đức Phát, Chủ tịch Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế chia sẻ, phát triển nông nghiệp bền vững không chỉ là cây lúa hay vật nuôi mà còn hướng đến lợi ích của cộng đồng, trong đó có người nông dân. Do đó, quản lý và phát triển ngành nông nghiệp phải làm công tác nông vận kết hợp với chính sách, kỹ thuật và giải pháp hành chính. Bài học kinh nghiệm là phải dựa vào nhân dân, phải phát huy vai trò tập thể để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, để ngành nông nghiệp phát triển bền vững phải bắt đầu phát huy từ nội lực cộng đồng, sáng kiến tạo ra để thu hút nguồn lực bên ngoài, phải giúp người dân nói chung, nông dân nói riêng hiểu được giá trị mô hình do cộng đồng quản lý.

"Tiếp cận từ cộng đồng" là một trong những hướng đi trong quá trình thay đổi tư duy, cách quản trị xã hội. Cộng đồng xã hội cân bằng những hạn chế của Nhà nước và thị trường; là một điểm cốt lõi trong tam giác phát triển Nhà nước - thị trường - xã hội.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng ghi nhận, phương thức tiếp cận đối với cộng đồng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn không phải là một mô hình, thiết chế mà là tư duy. Theo cách tiếp cận mới, cộng đồng được trao quyền tự chủ và phục vụ lợi ích bản thân, những yếu tố bên ngoài chỉ góp phần hỗ trợ thêm. Có thể nói, phát triển nông nghiệp, nông thôn cần cách nhìn đa chiều từ dưới lên trên, huy động thế mạnh của cộng đồng vào quá trình phát triển. 

Huyền Dung