Thu hoạch mía ở Hậu Giang
Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh và Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, đã đặt ra mục tiêu phát triển điện sinh khối các giai đoạn đến năm 2020, 2025 và 2030 tương ứng là 660 MW, 1.200 MW và 3.000 MW.
Nguồn sinh khối ở Việt Nam rất đa dang, bao gồm: trấu, rơm rạ, bã mía, chất thải chăn nuôi... Tuy nhiên, hiện chỉ có bã mía tại các nhà máy đường và chất thải tại các trang trại chăn nuôi quy mô lớn là có nguồn nguyên liệu tập trung đủ lớn cho phát điện.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, năm 2019 chỉ có 175 MW điện sinh khối của 3 nhà máy mía đường phát điện lên lưới. Như vậy, điện sinh khối mới chỉ đạt khoảng 26,5% mục tiêu phát triển đến năm 2020.
Ông Sven Ernedal, Giám đốc Dự án Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả Năng lượng (4E)/EVEF, thuộc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng (ESP) cho biết: “Việt Nam có tiềm năng lớn về sinh khối, có thể khai thác để sản xuất năng lượng, đặc biệt là sản xuất điện. Việc Chính phủ Việt Nam đưa ra các Quyết định tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển điện sinh khối sẽ giúp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra việc làm xanh, cải thiện an ninh và chất lượng nguồn cung điện và tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành mía đường thông qua việc tăng doanh thu cho các công ty sản xuất đường, tăng hiệu quả, và giảm phế thải. Năng lượng sinh khối đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện cam kết Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), chiến lược tăng trưởng xanh và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Việt Nam. Nguồn năng lượng tái tạo này sẽ giúp Việt Nam đáp ứng được nhu cầu năng lượng ngày càng tăng khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng".
Trạm biến áp cho nguồn điện từ bã mía
Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật Ngành năng lượng EU - Việt Nam (EVEF) do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thực hiện, đã hỗ trợ Bộ Công Thương (MoIT) trong những năm vừa qua trong việc thực hiện tính toán lại giá bán điện sinh khối (biomass) bao gồm: (1) Tổng hợp kinh nghiệm quốc tế và đánh giá thị trường sinh khối ở Việt Nam và trên thế giới; (2) Xây dựng mô hình tính toán và tính toán giá bán điện cho điện đồng phát (mía đường) và các nguồn sinh khối khác (từ phụ phẩm nông nghiệp và vụn gỗ); (3) Phân tích về khả năng áp dụng giá bán điện năng cho đốt trộn sinh khối (co-firing); (4) Đánh giá tác động của mức giá mua điện sinh khối mới lên giá điện bán lẻ; và (5) Hỗ trợ xây dựng dự thảo, tờ trình, quyết định… và hỗ trợ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (EREA) trong quá trình trình và thẩm định tờ trình.
Kể từ năm 2019, GIZ cũng đã và đang tiếp tục phối hợp với đối tác chiến lược là EREA/MoIT thực hiện dự án BEM nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển bền vững các nguồn tài nguyên sinh khối để sản xuất nhiệt và điện.
Các hoạt động điển hình như: (1) Tạo điều kiện và hỗ trợ điều chỉnh khung chính sách về lập quy hoạch và cấp phép các dự án điện sinh khối (như việc điều chỉnh tăng giá điện sinh khối mới đây); (2) Tập trung tăng cường năng lực cho khu vực tư nhân để triển khai xây dựng và các tổ chức tài chính để huy động cấp vốn thực hiện các dự án điện sinh khối; (3) Thúc đẩy hợp tác công nghệ và kết nối các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp quốc tế, viện nghiên cứu, trường đại học nhằm trao đổi kinh nghiệm về phát triển các dự án điện sinh khối.
Dự án BEM được tài trợ bởi Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân CHLB Đức (BMU). Trọng tâm dự án là nâng cao năng lực lập quy hoạch, năng lực kỹ thuật chuyên môn và tài chính cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sinh khối nhằm thực hiện các dự án đầu tư đạt hiệu quả. Dự án được thực hiện từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2023.