Theo Quyết định, mục tiêu tổng quát là phát triển Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Đại học Đà Lạt trở thành hai trung tâm đào tạo chất lượng cao hàng đầu khu vực Tây Nguyên, trong đó có một số lĩnh vực trọng điểm nằm trong nhóm 10 cơ sở đào tạo uy tín trong cả nước, phấn đấu lọt trong danh sách 100 trường hàng đầu khu vực Đông Nam Á; tăng cường mở rộng tiếp cận giáo dục đại học trong vùng, nhất là giáo dục đại học chất lượng cao trong các lĩnh vực trọng điểm, nhằm phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng trong vùng Tây Nguyên và cả nước.
Đối với Trường Đại học Tây Nguyên, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, phát triển Trường Đại học Tây Nguyên thành một trong hai trung tâm đào tạo nhân lực hàng đầu trong vùng về lĩnh vực sức khoẻ, nông lâm nghiệp, công nghệ sinh học và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho vùng Tây Nguyên và các địa phương lân cận. Tỷ lệ giảng viên cơ hữu của Trường có trình độ tiến sỹ đạt trên 50% tổng số giảng viên, trong đó đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sỹ ở các lĩnh vực trọng điểm về nông lâm nghiệp, công nghệ sinh học đạt cao hơn mức bình quân của Trường.
Tăng quy mô đào tạo chính quy của Trường đạt trên 11.000 sinh viên, trong đó tập trung đào tạo nhân lực các ngành trọng điểm về sức khoẻ, sư phạm, nông lâm nghiệp, công nghệ sinh học chiếm hơn 50% tổng quy mô tuyển sinh; tỷ lệ sinh viên người dân tộc thiểu số tăng trên 10%, chiếm tỷ lệ trên 30%.

Trao bằng tốt nghiệp Thạc sĩ của Trường Đại học Tây Nguyên
Phấn đấu 100% chương trình đào tạo trình độ đại học, trên 50% chương trình đào tạo sau đại học được công nhận kiểm định chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn trong nước; trên 20% số chương trình đào tạo trình độ đại học đạt tiêu chuẩn chất lượng kiểm định quốc tế…
Đối với Trường Đại học Đà Lạt, mục tiêu đến năm 2030, phát triển Trường Đại học Đà Lạt thành một trong hai trung tâm đào tạo hàng đầu trong vùng về lĩnh vực nông nghiệp thông minh, công nghệ sinh học, dược liệu và chăm sóc sức khoẻ, vật lý nguyên tử và hạt nhân, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho địa phương và vùng Tây Nguyên. Tỷ lệ giảng viên cơ hữu của Trường có trình độ tiến sỹ đạt trên 50%, trong đó đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sỹ ở các lĩnh vực trọng điểm về nông nghiệp thông minh, công nghệ sinh học, dược liệu, kỹ thuật hạt nhân đạt cao hơn mức bình quân toàn Trường.

Lễ tốt nghiệp và trao bằng kỹ sư, cử nhân hệ chính quy của Trường Đại học Đà Lạt
Phấn đấu 100% chương trình đào tạo trình độ đại học, trên 50% chương trình đào tạo sau đại học được công nhận kiểm định chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn trong nước; trên 20% số chương trình đào tạo trình độ đại học đạt tiêu chuẩn chất lượng kiểm định quốc tế. Tăng quy mô đào tạo chính quy của Trường đạt trên 15.000 sinh viên, trong đó quy mô tuyển sinh chính quy đạt trên 3.500 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh/1 năm; phấn đấu tỷ lệ sinh viên là người dân tộc thiểu số đạt trên 10%. Quy mô tuyển sinh các lĩnh vực trọng điểm về du lịch, nông nghiệp, công nghệ sinh học, sản xuất, chế biến, khoa học sự sống, sư phạm chiếm khoảng 25% tổng quy mô tuyển sinh…
Theo Đề án, định hướng đến năm 2045, tiếp tục mở rộng không gian phát triển hai Trường trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong cả nước, có tên trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu khu vực Châu Á về một số lĩnh vực trọng điểm, có thế mạnh như: nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học và du lịch.
5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp
Quyết định nêu rõ 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện gồm:
1. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản trị nhà trường: Thực hiện rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của Trường theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực hiệu quả, nâng cao năng lực quản trị nhà trường theo đúng chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường thực hiện các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dạy và học và gắn với công tác quản trị nhà trường, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện triệt để việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo.
2. Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giảng viên: Thực hiện quy hoạch cán bộ quản lý theo vị trí việc làm; sắp xếp, sử dụng hiệu quả đội ngũ giảng viên hiện có, có cơ chế, chính sách tuyển dụng, quản lý sử dụng, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài, để giảng viên phát huy năng lực, thực hiện đúng vai trò, nhiệm vụ được giao và yên tâm công tác.

Ký kết hợp tác đào tạo lĩnh vực năng lượng nông nghiệp giữa Trường Đại học Đà Lạt và trường đại học của Hàn Quốc
3. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực: Có giải pháp nâng cao chất lượng tuyển sinh; phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, các ngành, nghề lĩnh vực mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với hội nhập khu vực và quốc tế; gắn kết chặt chẽ đào tạo với nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh hợp tác trong đào tạo với các trường đại học lớn trong nước và quốc tế đặc biệt trong việc khai thác, chia sẻ nguồn lực, nền tảng công nghệ giáo dục đại học số để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao…
4. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo: Kết nối với các trường đại học, các viện nghiên cứu trong vùng, khu vực lân cận và trên toàn quốc hình thành mạng lưới, hoàn thiện cơ chế hợp tác trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với trung tâm là Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Đại học Đà Lạt. Phối hợp với các địa phương thực hiện đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương và đào tạo nguồn giáo viên theo yêu cầu của các địa phương; ưu tiên trong đào tạo nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số…
5. Hiện đại hóa cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao: Ưu tiên đầu tư nguồn lực để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất hiện có bảo đảm môi trường khang trang, hiện đại tương xứng với vai trò, vị thế của hai trung tâm hàng đầu của vùng Tây Nguyên về đào tạo chất lượng cao trong vùng. Tập trung đầu tư trọng điểm để phát triển, nâng cấp các phòng thí nghiệm, khu thực hành phục vụ nghiên cứu, đào tạo chất lượng cao các lĩnh vực trọng điểm. Mở rộng hạ tầng cơ sở vật chất phù hợp với tăng quy mô, đặc biệt là tăng quy mô tuyển sinh đối với người dân tộc thiểu số và học sinh trong vùng Tây Nguyên và vùng lân cận…
Kinh phí thực hiện Đề án được bảo đảm từ ngân sách nhà nước, vốn đầu tư phát triển (cả Trung ương và địa phương, bao gồm kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia); kinh phí chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục và đào tạo; nguồn vốn vay, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật; nguồn xã hội hóa và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.