Phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia

Thứ ba, 9/7/2024 | 10:08 GMT+7
Ngày 8/7, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 611/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch nhằm chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, suy thoái môi trường; phục hồi, cải thiện được chất lượng môi trường; ngăn chặn suy giảm và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học nhằm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của nhân dân trên cơ sở sắp xếp, định hướng phân bố hợp lý không gian, phân vùng quản lý chất lượng môi trường; định hướng thiết lập các khu bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh; định hướng xây dựng mạng lưới quan trắc, cảnh báo môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh; phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, hài hòa với tự nhiên, thân thiện với môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đối với phân vùng môi trường, quy hoạch định hướng phân vùng môi trường thống nhất trên phạm vi toàn quốc theo tiêu chí yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến sự sống và phát triển bình thường của con người, sinh vật.

Chủ động kiểm soát ô nhiễm, suy thoái môi trường và phục hồi, cải thiện được chất lượng môi trường

Đối với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quy hoạch định hướng bảo tồn giá trị tự nhiên, đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên nhằm phục hồi, duy trì các hệ sinh thái tự nhiên, ngăn chặn xu hướng suy giảm đa dạng sinh học trên cơ sở củng cố, mở rộng, thành lập mới và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng, cơ sở bảo tồn để lưu giữ, bảo tồn, phát triển nguồn gene đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm, mẫu giống cây trồng và vật nuôi.

Đến năm 2030, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên; bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; nâng tổng diện tích hệ thống khu bảo tồn trên phạm vi toàn quốc dự kiến đạt khoảng 6,7 triệu ha.

Đối với khu xử lý chất thải tập trung, quy hoạch định hướng hình thành đồng bộ hệ thống khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh có quy mô công suất và công nghệ xử lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, xử lý toàn bộ lượng chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại phát sinh trên phạm vi cả nước, hạn chế tối đa lượng chất thải rắn chôn lấp trực tiếp, thực hiện phân loại chất thải tại nguồn, thúc đẩy hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải. Đồng thời, xây dựng được cơ chế, chính sách thuận lợi để đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài vào hoạt động xử lý chất thải.

Với mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường, định hướng thiết lập mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia, cấp tỉnh thống nhất, đồng bộ, hiện đại, có tính liên kết trên phạm vi cả nước để chủ động theo dõi hiện trạng, bước đầu xây dựng năng lực dự báo diễn biến chất lượng môi trường, cảnh báo ô nhiễm môi trường; bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời phục vụ công tác quản lý nhà nước về môi trường.

Định hướng cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thiết lập mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường tại địa phương, tập trung vào khu vực có nguy cơ ô nhiễm do hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, khu vực chịu tác động của nhiều nguồn thải, khu vực quan trọng về cảnh quan, sinh thái, môi trường trên địa bàn quản lý của địa phương, hài hòa và có tính liên kết chặt chẽ với mạng lưới quan trắc, cảnh báo môi trường quốc gia để sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường trên cả nước.

Quyết định nêu nhiều giải pháp về tổ chức và giám sát thực hiện để sớm triển khai quy hoạch như: tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường; hoàn thiện tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong bảo vệ môi trường; tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường đầu tư tài chính; ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu môi trường; hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

Cụ thể, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc, cơ sở dữ liệu môi trường thông qua khuyến khích áp dụng công nghệ sạch, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguyên, nhiên liệu và năng lượng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; cải tiến, chuyển đổi công nghệ, áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất (BAT), công nghệ cao trong các ngành, lĩnh vực để bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học.

Ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám, công nghệ hiện đại trong quản lý, theo dõi, giám sát, quan trắc và cảnh báo môi trường; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục hành chính về môi trường.

Thúc đẩy áp dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn, ưu tiên công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, thu hồi năng lượng, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại đồng bộ, hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường, giảm lượng chất thải rắn xử lý bằng chôn lấp trực tiếp.

Phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại, đồng bộ trong quan trắc và cảnh báo môi trường, đặc biệt là các khu vực tập trung nhiều nguồn thải, khu vực nhạy cảm về môi trường; ứng dụng công nghệ hiện đại xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường thống nhất, đồng bộ, cập nhật, chia sẻ, kết nối liên thông giữa các cấp, các ngành; bảo đảm thông tin môi trường được cung cấp kịp thời. Thúc đẩy chuyển đổi số, số hóa cơ sở dữ liệu, thông tin về môi trường.

Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ môi trường; đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho các cơ quan nghiên cứu, đào tạo về môi trường; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam xứng tầm để giải quyết tốt những vấn đề môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Việt Nga