Phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo làm tăng lượng phát thải khí nhà kính

Thứ tư, 3/7/2024 | 15:25 GMT+7
Theo báo cáo môi trường hàng năm của Google, lượng phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp đã tăng 48% trong 5 năm qua do phải cung cấp điện cho các trung tâm dữ liệu phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo đó, Google thừa nhận rằng, mặc dù đặt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 nhưng công ty đang phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều hơn trước đây. Riêng trong năm 2023, tổng lượng khí phát thải của Google cao hơn 13% so với năm trước đó, chủ yếu do sự gia tăng mức tiêu thụ năng lượng của trung tâm dữ liệu và chuỗi cung ứng của trung tâm này.

Thời gian gần đây, Google tăng cường tích hợp AI vào các sản phẩm của mình. Điều này gây khó khăn trong việc giảm lượng khí thải khi nhu cầu năng lượng ngày càng tăng do cường độ tính toán AI cao hơn. Lượng khí thải này liên quan tới kế hoạch tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Ảnh minh họa

Đáng lưu ý, không chỉ riêng Google phải đối mặt bài toán tăng cường năng lượng cho các trung tâm dữ liệu AI nhưng vẫn hạn chế phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu mà mới đây, Microsoft cũng thừa nhận lượng phát thải khí nhà kính của hãng đã tăng 29% so với năm 2020 do hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm cải tiến công nghệ mới.

Microsoft và Google là những công ty dẫn đầu trong cuộc đua phát triển AI, trong khi cả hai đều cam kết trung hòa carbon vào cuối thập kỷ này. Thậm chí, Microsoft còn đặt mục tiêu "âm carbon" vào năm 2050. Theo đó, lượng khí thải bị loại bỏ nhiều hơn lượng phát thải, hướng tới mục tiêu xa hơn trung hòa carbon bằng cách tích cực loại bỏ khí thải này ra khỏi bầu khí quyển trái đất.

Trước đó, các nhà nghiên cứu của Đại học California, Riverside đã nhấn mạnh sự cần thiết phải minh bạch hơn về “dấu chân nước” của các mô hình AI, nhất là khi thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước ngày càng nghiêm trọng. Theo các nhà khoa học, những kỳ tích trên không gian mạng của ChatGPT đang được đánh đổi bởi “sức khỏe” của môi trường bởi công cụ này tiêu thụ một lượng nước sạch lớn đáng kinh ngạc.

Mỗi khi ChatGPT xử lý 10 - 50 yêu cầu của người dùng, nó sẽ tiêu thụ lượng nước tương đương với một chai nước 500 ml. Nguyên nhân chính là do các trung tâm dữ liệu cần một lượng nước khổng lồ để làm mát và với mô hình GPT-4 mới, lượng nước tiêu thụ còn nhiều hơn nữa. Vì vậy, với sự phổ biến của AI như ChatGPT hiện nay, lượng người dùng khổng lồ sẽ làm tăng áp lực lên nguồn nước vốn đã khan hiếm.

Trước tình trạng đó, Google đã thực hiện 38 dự án bù nước trên toàn thế giới; trong khi Microsoft sử dụng nước mưa và khí trời để làm mát các trung tâm dữ liệu ở Thụy Điển và Arizona (Mỹ). Cả Google và Microsoft đều cam kết sẽ bổ sung nhiều nước hơn mức tiêu thụ vào năm 2030. 

Lâm Bảo (T/H)