Văn hóa, du lịch

Phối hợp phát triển du lịch nông thôn

Thứ hai, 17/4/2023 | 16:36 GMT+7
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị Phát triển mô hình và nguồn nhân lực du lịch canh nông.

Theo thông tin tại hội nghị, du lịch nông thôn là chương trình phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đến tất cả các tỉnh, thành phố. Đến nay, đã có 31/63 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình Phát triển du lịch nông thôn.

Thời gian qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình du lịch nông thôn đã hình thành ở nhiều địa phương, phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách. Hiện cả nước có khoảng gần 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động, trong đó khu vực trung du miền núi phía Bắc có 215 mô hình, chiếm 43%. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác quy hoạch, định hướng các mô hình phát triển, tiêu chí để đánh giá chất lượng, năng lực quản lý mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, hội nghị là dịp để định hướng cho các địa phương về những vấn đề quan trọng trong phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn (liên quan đến rà soát công tác quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao vai trò công tác quản lý ở địa phương, nâng cao năng lực các chủ thể làm du lịch canh nông, đề xuất các giải pháp cần triển khai trong thời gian tới).

Phát triển mô hình và nguồn nhân lực du lịch nông thôn

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, trong bối cảnh mới, du lịch nông thôn phải thay đổi để phù hợp với nhu cầu thị trường, nhất là vấn đề phát triển sản phẩm và kết nối thị trường. Theo đó, du lịch nông thôn cần quan tâm tới các định hướng như ưu tiên đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn đồng bộ và hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch kết nối được với các tuyến điểm du lịch trên địa bàn, trong vùng và với các trung tâm du lịch và thị trường nguồn; phát triển hệ thống sản phẩm du lịch nông thôn có chất lượng, sáng tạo, khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái dựa trên lợi thế của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn, chăm sóc sức khỏe, đa dạng tính trải nghiệm, các sản phẩm mới… Nâng cao kỹ năng phục vụ, quản trị để đáp ứng nhu cầu phát triển và hướng tới các nhu cầu riêng biệt của các nhóm khách mục tiêu. Chú trọng khai thác chuỗi giá trị du lịch trên cơ sở liên kết với các ngành nghề, dịch vụ liên quan của khu vực nông thôn nhằm cung cấp đa dạng trải nghiệm cho du khách.

Ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Yên Bái cho biết, nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định: phát triển du lịch bền vững, trên nền tảng tăng trưởng xanh, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Yên Bái đã ban hành các cơ chế chính sách linh hoạt và định hướng mang tính dài hạn, chiến lược kết hợp tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để phát triển du lịch canh nông.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Yên Bái mong muốn được tiếp cận vấn đề phát triển du lịch canh nông từ nhiều góc nhìn đa chiều, toàn diện, từ đó có những giải pháp, hướng đi phù hợp cho phát triển loại hình du lịch này trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng của các tỉnh trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung, tỉnh Yên Bái nói riêng; góp phần giúp các tỉnh thực hiện đồng thời hai mục tiêu quan trọng là “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” và “xây dựng, phát triển khu vực nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế, xây dựng nông thôn mới bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện”.

Dịp này, các đại biểu cùng tập trung thảo luận, lảm rõ nhiều nội dung quan trọng, trong đó có vai trò và việc phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn; vấn đề quy hoạch hạ tầng, cảnh quan trong xây dựng các mô hình du lịch nông thôn; định hướng về đào tạo, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho lao động trong các cơ sở du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn; vấn đề phát triển mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới...

Thanh Bảo