Môi trường (old)

Phú Quý trồng rừng chống biến đổi khí hậu

Thứ năm, 5/11/2015 | 15:29 GMT+7
Huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) có diện tích tự nhiên khoảng 1.700 ha. Tuy nhiên, hàng năm diện tích này bị thu hẹp do sự xâm thực của sóng biển. Do đó việc trồng rừng ngập mặn bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.

Huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) có diện tích tự nhiên khoảng 1.700 ha. Tuy nhiên, hàng năm diện tích này bị thu hẹp do sự xâm thực của sóng biển. Bên cạnh đó, nguồn nước ngọt trên đảo cũng ngày càng bị nhiễm mặn. Do đó việc trồng cây xung quanh đảo có tầm quan trọng, nhằm tăng độ tán che phủ, đảm bảo chức năng phòng hộ, chắn gió, chắn sóng biển; đặc biệt rừng ngập mặn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ diện tích tự nhiên cũng như cuộc sống người dân trên đảo…

Nắm rõ thực trạng này, việc trồng rừng chắn sóng bảo vệ bờ biển tại huyện đảo Phú Quý  đã được triển khai từ năm 2010 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trạm nông lâm nghiệp huyện Phú Quý đã đề xuất và được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt triển khai thực hiện đề tài “Thử nghiệm trồng rừng ngập mặn trong các điều kiện khác nhau trên địa bàn huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận”. Đây là nhiệm vụ khoa học và công nghệ mang ý nghĩa rất thiết thực với mục tiêu nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo chức năng phòng hộ và phòng, chống biến đổi khí hậu tại huyện Phú Quý.

Ông Tạ Minh Nhựt, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện đảo Phú Quý cho biết, trước đây, trên đảo phần lớn là đồi trọc và chỉ có các loại cây mọc tự phát như: dứa dại, bã đậu, mù u… Từ các Chương trình dự án hỗ trợ trồng rừng của Trung ương và địa phương, đến nay, toàn đảo đã trồng được hơn 800 ha rừng, đạt trên 50% bao gồm rừng phòng hộ, cây phân tán, cây ăn quả…

Trồng rừng ngập mặn trên đảo Phú Quý.

Trạm Nông lâm nghiệp huyện Phú Quý đã tiên phong chủ trì thực hiện đề tài thử nghiệm trồng rừng ngập mặn trên địa bàn 3 xã: Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải. Khu vực được chọn là các bãi cát sỏi, bãi đá huyền nham, vụn san hô ven biển. Vị trí không nằm trong quy hoạch các công trình dân sinh kinh tế, không ảnh hưởng tàu thuyền ngư dân vào ra, neo đậu. Thời gian đầu, lãnh đạo, kỹ sư của trạm đã vào nhiều nơi trong đất liền tìm hiểu mua các loại giống phù hợp như mắm biển, đước, đưng về gieo trồng ở vườn ươm; qua chăm sóc mầm cây phát triển tốt.

Những cây non này đã được nhân viên trạm đem ra thực địa trồng tại nhiều điểm. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi, chăm sóc cây non để chúng bám rễ chặt. Với sự nỗ lực này, đa phần trong số 15.000 cây mắm biển, đước… trên vùng bãi bờ ven biển Phú Quý đã bám chặt rễ, phát triển trước sóng to, gió lớn.

Trước đó Trạm Nông lâm nghiệp huyện Phú Quý cũng đã trồng được 5.000 cây đước tại những vùng ngập mặn ven biển Lạch Dù, Hòn Tranh, Lỗ Sâu thuộc địa bàn xã Tam Thanh, tỷ lệ cây sống và phát triển xanh tốt đạt trên 70%, hiện trạm đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng.

Trạm cũng đã mua giống, ươm trồng, cung cấp một số loại cây trồng nhiều tán xanh, chịu gió như bàng vuông, phượng vĩ, xà cừ, bạch đàn, dương, keo, xoài… cho nhiều cơ quan, đơn vị, trường học, nhân dân trồng cây phân tán trước khuôn viên công sở, hai bên đường giao thông, vườn nhà, trên các vùng đất trống, đồi trọc, nhằm tạo cảnh quan đẹp, môi trường sinh thái bền vững, đã và đang được nhiều đơn vị, người dân hưởng ứng.

Ông Tạ Minh Nhựt cho rằng, có được kết quả này là do huyện đã chủ động làm tốt công tác trồng các loại giống cây lâm nghiệp phù hợp tại chỗ để phục vụ cho việc trồng cây hàng năm, đồng thời, triển khai nhanh khâu trồng cây khi thời tiết thuận lợi, nhờ vậy cây giống thích nghi nhanh với điều kiện khí hậu của đảo, tỷ lệ cây sống tăng cao.

Bên cạnh đó, huyện còn đẩy mạnh phong trào “Trồng cây gây rừng”; phát động trồng cây xanh trong khuôn viên các trường học, cơ quan, doanh trại quân đội và trong mỗi nhà dân…

Nguồn: Báo TN&MT