Phương án “xóa khát” cho các vùng nông nôn giai đoạn 2021-2025

Chủ nhật, 26/9/2021 | 14:08 GMT+7
NLSVN - Theo Báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10/6/2021 về “Tổng kết Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020” của Ủy ban Dân tộc, toàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi có tới 223.449 hộ thiếu nước sinh hoạt.

Theo thống kê, có khoảng 9.000 người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém, gần 250 ngàn người nhập viện vì bị tiêu chảy cấp bởi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm

Mới đây, Dự thảo Đề án cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 đang được Bộ NN&PTNT xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được đánh giá là một trong những quyết sách dài hơi để giải quyết tình trạng thiếu nước sạch cho người dân. Đề án này rất cần thiết nhằm mục đích vừa đảm bảo cấp nước phục vụ an sinh xã hội, vừa phát triển theo xu hướng thị trường đảm bảo ổn định, bền vững trong điều kiện thiên tai, biến đổi khí hậu và đạt được mục tiêu cấp nước đến năm 2025 đảm bảo 60% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, góp phần thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết với Liên Hợp Quốc.

Đề án đặt ra các giải pháp như: Ưu tiên hỗ trợ ngân sách Nhà nước cho công tác nước sạch nông thôn tại các vùng khó khăn; sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cấp nước sạch nông thôn; xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư, quản lý vận hành công trình sau đầu tư tại các vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước.

Để đạt được mục tiêu trên, Dự thảo đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, như: phát huy hiệu quả quản lý công tác nước sạch nông thôn và thu hút mọi nguồn lực xã hội tham gia đầu tư, quản lý vận hành công trình cấp nước sạch nông thôn; đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, cải tạo các công trình cấp nước tập trung nhằm đảm bảo cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân đáp ứng yêu cầu chất lượng nước, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cấp nước sạch nông thôn theo hướng đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, phù hợp với thực tiễn, mở rộng đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.

Xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư, quản lý vận hành công trình sau đầu tư tại các vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, biên giới, hải đảo, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, ô nhiễm nguồn nước.

Huy động tổng thể các nguồn lực, thực hiện đồng bộ 2 giải pháp cơ bản, đó là thực hiện chính sách an sinh xã hội, ưu tiên hỗ trợ ngân sách Nhà nước cho công tác nước sạch nông thôn tại các vùng khó khăn và phát triển xã hội hóa công tác cấp nước sạch nông thôn.

PV