Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân nhấn mạnh, việc phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường biển và hải đảo đã được định hướng trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Chiến lược sử dụng khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tuy nhiên, để phát huy các tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, vị trí địa lý của biển, đảo, thực trạng, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển và các vấn đề về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, cần thiết phải có sự chung tay quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Theo đó, Hội nghị Đánh giá công tác quản lý Nhà nước trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo được tổ chức nhằm tạo cơ hội để các bên trao đổi, thảo luận về công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; về cơ chế phối hợp giữa Cục Biển và Hải đảo Việt Nam với các Sở TN&MT 28 địa phương có biển nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả về quản lý khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/9/27/danh-gia-tai-nguyen-20240927110444805.jpg)
Quang cảnh hội nghị
Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị các đơn vị cùng trao đổi, thảo luận tập trung vào nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, đẩy mạnh triển khai các chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý biển đảo, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, quản lý rác thải nhựa đại dương; nâng cao số lượng tín chỉ carbon thông qua bảo tồn, quản lý bền vững tài nguyên, hệ sinh thái biển và hải đảo.
Giải quyết các chồng lấn để bố trí, sắp xếp khoanh vùng định hướng phát triển dựa trên lợi thế điều kiện tự nhiên địa phương, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; tận dụng tối đa lợi thế để phát triển các ngành du lịch, dịch vụ biển để địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn của cả nước; quan tâm, thúc đẩy đầu tư khai thác năng lượng tái tạo và các dạng năng lượng khác.
Nghiên cứu triển khai thực hiện Quy hoạch không gian biển; rà soát, bổ sung Quy hoạch tỉnh; đưa nội dung vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh, trong đó xác định các nhiệm vụ ưu tiên, đột phá, phù hợp với tiềm năng, nguồn lực của tỉnh; chú trọng xây dựng hạ tầng kết nối đất liền ra biển, kết nối vùng.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cũng đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, rác thải nhựa ven biển và trên các đảo; kiểm soát chặt chẽ nguồn thải trực tiếp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường trên biển, vùng biển ven bờ, đặc biệt là hoạt động nhận chìm, xả nước thải vào môi trường biển…; đầu tư, xây dựng hệ thống quan trắc, đánh giá phạm vi, mức độ tác động của các nguồn gây ô nhiễm biển từ đất liền, nhất là từ lưu vực sông.
Đẩy mạnh giáo dục về bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, khen thưởng tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực. Xem xét những vướng mắc trong việc thực hiện Luật Tài nguyên biển, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả, hoàn thiện công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này thời gian tới.
Các đại biểu đã được nghe những báo cáo về công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; giới thiệu một số nội dung chính về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tình hình thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển; tình hình triển khai thực hiện Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đề xuất những định hướng sửa đổi, bổ sung…
Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn mong muốn các địa phương có biển tích cực hợp tác chặt chẽ trong việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, khảo sát thực tế về hoạt động trên biển và ven bờ, đánh giá hiện trạng môi trường cũng như phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường biển. Ngoài ra, cần chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, cùng với việc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống khẩn cấp.