Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường cho biết, trước tình hình thực tế về nhu cầu trao đổi tín chỉ carbon và phát triển thị trường carbon, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP cần được sửa đổi, tập trung vào tăng cường công tác kiểm kê khí nhà kính, tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, quản lý tín chỉ carbon, tổ chức thị trường carbon và một số nội dung về bảo vệ tầng ozone.
Theo đó, lãnh đạo các đơn vị cùng thảo luận và trao đổi cụ thể, chi tiết các nội dung về quy định tăng cường công tác kiểm kê khí nhà kính; quy định tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính; quy định tổ chức thị trường carbon, quản lý tín chỉ carbon; quy định quản lý bảo vệ tầng ozone. Xây dựng nội dung về các thủ tục hành chính, thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản hóa, tăng cường phân cấp, đẩy mạnh xã hội hóa và số hóa, tái sử dụng dữ liệu trong thực hiện thủ tục hành chính.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/9/26/hop-nghi-dinh-20240926104108202.jpg)
Quang cảnh buổi làm việc
Dự thảo Nghị định được bổ sung mới 9 thủ tục hành chính; sửa đổi theo hướng minh bạch hóa, đơn giản hóa 2/4 thủ tục hành chính quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP; xã hội hóa cho các tổ chức có đủ điều kiện tham gia thực hiện 2 thủ tục hành chính và có giải pháp để thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống đăng ký quốc gia…
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, những nội dung như giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, quy định tổ chức thị trường carbon, quản lý tín chỉ carbon… đều là những vấn đề được cả thế giới quan tâm. Tuy nhiên, đây cũng là những vấn đề mới, khó nên việc sửa đổi các văn bản pháp luật cho phù hợp với thực tiễn cần phải chắc chắn, toàn diện.
Do đó, Bộ trưởng đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá tổng thể, đưa ra những điều chỉnh phù hợp để khi triển khai các chính sách pháp luật có thể dễ dàng đi vào cuộc sống. Chỉ ra những nội dung thế giới đang thực hiện để cập nhật, hoàn thiện theo các tiêu chí thế giới đặt ra. Những vấn đề đã rõ cần quy định chặt chẽ, những vấn đề còn nghiên cứu, bổ sung thì cần từng bước thí điểm để từ đó hoàn thiện về mặt lý luận, thực tiễn và pháp lý.
Cơ quan soạn thảo cần hoàn thiện Nghị định theo hướng xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong quá trình tham gia vào chương trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; trong đó quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, quyền lợi của các bên trong việc quản lý, kiểm kê, đo lường, định lượng đối tượng phát thải, cũng như đưa ra các mục tiêu, chương trình giảm phát thải, công nghệ giảm phát thải…
Bộ trưởng nhấn mạnh, việc xây dựng chính sách phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện và cải cách mạnh các thủ tục hành chính.