Theo văn bản, trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau, tình trạng ô nhiễm bụi trong không khí tại một số địa phương thường xuất hiện những diễn biến xấu, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các họat động phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm giao mùa khiến chênh lệch nhiệt độ, độ ẩm ngày đêm, thay đổi hướng gió, bức xạ nhiệt… trong không khí lớn, ảnh hưởng đến khả năng khuếch tán các chất ô nhiễm trong không khí, nhất là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5. Ngoài ra, tình trạng đốt rác thải, rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp cũng là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí, khói mù.
Do đó, để tiếp tục tăng cường kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm, hạn chế các tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí trên địa bàn tỉnh, nhất là trong thời gian giao mùa, UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình, nhiệm vụ về quản lý chất lượng môi trường không khí, tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải. Khẩn trương xây dựng dự thảo Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh Yên Bái, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/9/25/o-nhiem-kk-yen-bai-20240925163304041.jpg)
Yên Bái tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; tuyên truyền việc sử dụng nhiên liệu sạch, sinh học và năng lượng sạch. Kiểm tra, giám sát việc vận hành hệ thống tiếp nhận, truyền số liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục đảm bảo số liệu truyền, kết nối theo quy định; công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên Trung tâm điều hành thông minh và phương tiện truyền thông của tỉnh; đồng thời chia sẻ kết quả quan trắc với các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tấn, báo chí; khuyến cáo người dân áp dụng ngay các giải pháp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với nhóm đối tượng có hoạt động ngoài trời.
Chủ trì, phối với các Sở, ban ngành và đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải (nhất là điểm đốt mở, đốt rác thải, phụ phẩm nông nghiệp, khu vực xây dựng; nguồn điểm từ các cơ sở sản xuất công nghiệp); yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là cơ sở phát sinh bụi, khí thải lớn trên địa bàn thực hiện nghiêm biện pháp kiểm soát, đảm bảo xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; đôn đốc, giám sát các cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt trạm quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện biện pháp, giải pháp giảm thiểu bụi phát sinh trong môi trường không khí; kiểm soát chất lượng môi trường không khí trong hoạt động giao thông, xây dựng, công nghiệp và nông nghiệp; khuyến khích những dự án sử dụng nguyên liệu, năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; kiên quyết từ chối dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiên liệu làm phát sinh nhiều chất thải, trong đó có khí thải, bụi thải.