Tăng cường hợp tác với UNDP trong bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên

Thứ sáu, 27/9/2024 | 10:13 GMT+7
Ngày 26/9, tại Hà Nội, lãnh đạo các đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam.

Theo đó, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cùng thống nhất những quan điểm chung, mục tiêu lớn và quyết tâm cao nhất để triển khai các cam kết về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường mà hai bên đưa ra.

Bà Ramla Khalidi cho biết, nhiều năm qua, UNDP là một trong những đối tác tin cậy và hợp tác hiệu quả với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hai bên đã có một mối quan hệ hợp tác sâu sắc, toàn diện trong nhiều lĩnh vực quan trọng bao gồm: biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, kinh tế tuần hoàn, ô nhiễm nhựa, kinh tế biển, tài nguyên nước và nhiều lĩnh vực khác.

Bà Ramla Khalidi nhấn mạnh, UNDP luôn sẵn sàng đồng hành cùng với Việt Nam và mong muốn những thành tựu của Việt Nam sẽ đem lại lợi ích cho quốc gia, đồng thời sẽ “dẫn dắt” các quốc gia khác đưa ra những cam kết vì mục tiêu giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng công bằng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy làm việc với bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình hợp tác song phương và cùng hướng đến những mục tiêu chung, bà Ramla Khalidi mong muốn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy sẽ thúc đẩy nhiều hơn nữa các dự án hợp tác về giảm thiểu rác thải nhựa, du lịch bảo tồn thiên nhiên, ủng hộ quỹ bảo vệ đa dạng sinh học toàn cầu. Bên cạnh đó có những hướng dẫn và hỗ trợ cho các dự án của Quỹ môi trường toàn cầu GEF cũng như các hoạt động của UNDP trong các dự án phát triển bền vững.

Về những đề xuất của UNDP, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cam kết sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhanh chóng thực hiện.

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có buổi làm việc với các tập đoàn kinh tế lớn nhất Việt Nam và các đơn vị đưa ra những ưu tiên trong việc chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn… Do vậy, Bộ trưởng đề nghị UNDP đề xuất các giải pháp tạo sinh kế, xây dựng nhiều dự án chuyển đổi năng lượng công bằng…

Thời gian tới, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị UNDP tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu cho đối tượng dễ bị tổn thương, đối tượng yếu thế; thúc đẩy các giải pháp tăng cường sức chống chịu của nhóm dễ tổn thương trước tác động tiêu cực của thiên tai, thời tiết cực đoan, thực hiện Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Ngoài ra, UNDP có thể tiếp tục hợp tác với Việt Nam để phát triển các sáng kiến thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên trên cơ sở tăng cường tái chế, tái sử dụng, tái nạp, nhất là đối với sản phẩm nhựa để hạn chế lãng phí tài nguyên, tạo ra những giá trị kinh tế mới và cơ hội việc làm mới. 

Trong lĩnh vực biển và hải đảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hy vọng UNDP tiếp tục hợp tác trong việc xây dựng các chính sách bảo vệ môi trường biển, nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên biển và phát triển các chương trình hỗ trợ cho cộng đồng ven biển để họ có thể tham gia tích cực vào bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Đối với vấn đề đa dạng sinh học, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy hy vọng, sự hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và UNDP sẽ đóng góp quan trọng vào các nỗ lực bảo tồn, phát triển bền vững tại Việt Nam. Bộ trưởng đề nghị bà Ramla Khalidi và UNDP hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn tại Việt Nam phù hợp với khung đa dạng sinh học quốc tế. Hai bên cũng có thể phát triển các kế hoạch, chương trình để giảm thiểu ô nhiễm nhựa, đồng thời khuyến khích sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và cộng đồng…

Lâm Bảo (T/H)