Môi trường (old)

Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững

Thứ sáu, 22/9/2017 | 15:14 GMT+7
Đó là chủ đề của Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2017 nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác quản lý môi trường, đặc biệt là công tác quản lý chất thải tại các khu vực nông thôn trong quá trình xây dựng đất nước Việt Nam phát triển kinh tế, an sinh xã hội và hài hòa với thiên nhiên.

Nhân sự kiện này, Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Văn Thức (ảnh) - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường.

PV: Thưa ông, ông có thể lý giải rõ hơn về Chủ đề của Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2017?

Ông Hoàng Văn Thức: Vùng nông thôn thực chất là các khu sinh thái tự nhiên và nhân tạo, là vùng đệm rộng lớn, bao bọc và che phủ các vùng đô thị lớn nhỏ xung quanh. Tuy vậy, hiện nay, môi trường nông thôn đang bị đe dọa bởi chính các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nông thôn, đồng thời, còn chịu tác động từ hoạt động của các KCN, CCN và khu vực đô thị lân cận. Ở một số vùng nông thôn, môi trường nước hoặc môi trường không khí đã bị ô nhiễm cục bộ, đặc biệt, việc quản lý chất thải nông thôn chưa thực sự được coi trọng, đã và đang là vấn đề bức xúc.

Ô nhiễm môi trường nông thôn gây ra những thiệt hại về KT - XH và tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân nông thôn, tạo những xung đột về môi trường. Xung đột chủ yếu giữa cộng đồng làm nghề và không làm nghề, sản xuất làm phát thải ô nhiễm và người dân sống trong vùng chịu ảnh hưởng của ô nhiễm. Đặc biệt, nổi cộm là vấn đề xung đột liên quan đến quy hoạch các bãi rác tập trung ở khu vực giáp ranh giữa các huyện xã cũng như lợi ích của người dân. Tỷ lệ người mắc các bệnh có liên quan đến ô nhiễm môi trường ở nông thôn có xu hướng gia tăng qua các năm.

Trong khi đó, một số quy định pháp luật có liên quan đến bảo vệ môi trường (BVMT) khu vực nông thôn thiếu tính khả thi. Vẫn còn tồn tại tình trạng chồng chéo trong phân công trách nhiệm, có những mảng còn bỏ ngỏ trong cơ cấu tổ chức quản lý môi trường nông thôn, trách nhiệm của đơn vị quản lý và thực thi chưa cao. Đầu tư cho quản lý và BVMT nông thôn chưa nhận được sự quan tâm thích đáng. Các hoạt động quản lý và kiểm soát chất thải từ khu vực nông thôn chưa thực sự hiệu quả; nhận thức của người dân về BVMT nông thôn còn hạn chế.

Để giải quyết các vấn đề tồn tại trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn nói chung, giải quyết những vấn đề môi trường nổi cộm nói riêng cần xây dựng các giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và có lộ trình, kế hoạch để thực thi các giải pháp. Vì vậy, Bộ TN&MT lựa chọn Chủ đề Chiến dịch là “Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững” nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác quản lý môi trường, đặc biệt là công tác quản lý chất thải tại các khu vực nông thôn.

Ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường.
Ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường.

PV: Năm 2017, Bộ TN&MT nói chung và Tổng cục Môi trường nói riêng đã chuẩn bị hửng ứng Chiến dịch này như thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Thức: Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn được khởi xướng trên thế giới từ năm 1993 và được tổ chức định kỳ vào tuần thứ 3 tháng 9 hàng năm. Tại Việt Nam, từ năm 1994, Bộ TN&MT bắt đầu tổ chức các sự kiện quốc gia hưởng ứng Chiến dịch này và quy tụ được đông đảo các tổ chức, cộng đồng, doanh nghiệp, trường học, cá nhân cùng tham gia .

Năm 2017, để huy động các hệ thống chính trị, cộng đồng, nhân dân hưởng ứng Chiến dịch, ngay từ tháng 8, Tổng cục Môi trường đã tham mưu cho Bộ TN&MT ra Văn bản số 4313/BTNMT-TCMT hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức hưởng ứng Chiến dịch.

Cụ thể, Bộ TN&MT đã đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý Nhà nước về môi trường, giải quyết những vấn đề môi trường cấp bách, tạo tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xác định và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để giải quyết các vấn đề môi trường lớn, giải quyết triệt để những điểm nóng về ô nhiễm của địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý triệt để các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao… Tổ chức các hoạt động có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như phát động phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”; ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao hồ, hệ thống thoát nước…

Nhân sự kiện này, các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí, đài phát thanh, truyền hình địa phương tăng thời lượng phát sóng về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Tổ chức treo băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu về chủ đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường ở nơi công cộng, đường phố chính, trụ sở cơ quan làm việc, nơi đông người qua lại nhằm nhắc nhở người dân cùng hành động bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, 28 tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị có trụ sở tại các địa phương ven biển tăng cường tổ chức các hoạt động làm sạch môi tường tại các bãi biển, khu vực ven bờ, lựa chọn các điểm nóng về ô nhiễm môi trường tại khu vực các bãi biển để tổ chức các hoạt động ra quân làm sạch biển; tổ chức bàn giao bãi biển, khu vực ven bờ đã làm sạch cho các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý.

Bộ TN&MT cũng như Tổng cục Môi trường đã phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Chiến dịch tại xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) vào ngày 23/9. Ngoài lễ phát động, trong 2 ngày từ 22 đến 23/9, nhiều hoạt động sẽ diễn ra như: ra quân thu gom rác tại một số tuyến đường tại huyện Kim Bôi, chạy bộ vì môi trường, trồng cây xanh, lớp học môi trường tại Trường THCS xã Tú Sơn, tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn và hướng dẫn phân loại rác thải…

PV: Như ông đã nói, hiện các hoạt động quản lý và kiểm soát chất thải từ khu vực nông thôn chưa thực sự hiệu quả. Vậy theo ông, thời gian tới để nâng cao hiệu quả quản lý chúng ta phải làm gì?

Ông Hoàng Văn Thức: Mặc dù, những năm qua, vấn đề quản lý và BVMT nông thôn đã nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Bộ máy tổ chức quản lý môi trường nông thôn đang được củng cố và nâng cao năng lực. Tuy vậy, quản lý môi trường nông thôn vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập chưa được giải quyết ở các mức độ và cấp độ quản lý khác nhau. Văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ, thiếu tính đồng bộ.

Hiện nay, Bộ TN&MT quản lý môi trường nông thôn chung nhưng từng phần lại giao cho giao các Bộ, ngành khác nhau nên có quy định chưa rõ. Vì vậy, để để quản lý rác thải nông thôn, trước mắt, các Bộ: TN&MT, Xây dựng, NN&PTNT cần khẩn trương phải hoàn thiện chính sách, pháp luật, rà soát, điều chỉnh bộ tiêu chí về môi trường để phù hợp với tình hình thực tế và có tính khả thi. Trong đó, chú trọng xây dựng các chế tài xử phạt phải mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm, xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý môi trường trong các nhà máy, các khu công nghiệp theo đúng tiêu chuẩn, tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý môi trường nông thôn theo hướng tập trung toàn diện, huy động sự tham gia và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường. Việc triển khai huy động các mô hình tự quản, đảm nhận vệ sinh các tuyến đường được giao cho các tổ chức như: Hội Phụ nữ, Hội CCB, Đoàn Thanh niên, các thôn, nhóm, tổ... cũng cần được nhân rộng.

Do đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương lại khác nhau nên mức độ ô nhiễm môi trường sẽ khác nhau. Vì vậy, việc cần thiết là phải lập được bản đồ về ô nhiễm môi trường tại các khu vực nông thôn, qua đó, xác định các vùng ô nhiễm trọng tâm, trọng điểm để từng bước đề ra các biện pháp khắc phục phù hợp.

Theo báo Tài Nguyên và Môi trường