Quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình

Thứ tư, 29/6/2022 | 16:08 GMT+7
Ngày 29/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức hội thảo “Định hướng quản lý, khai thác, sử dụng phát triển bền vững tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình”.

Lưu vực sông Hồng - Thái Bình là lưu vực sông liên quốc gia chảy qua 3 nước Việt Nam, Trung Quốc, Lào với tổng diện tích tự nhiên vào khoảng 169.000km2, trong đó phần lưu vực nằm ở Việt Nam là lớn nhất với hơn 50%. Đây là lưu vực sông lớn nhất cả nước chảy qua 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 30 triệu người dân đang sinh sống.

Với vị thế và vai trò quan trọng đó, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành yêu cầu cần phát triển bền vững tài nguyên nước lưu vực trên.

Cụ thể, Thứ trưởng cho biết, hệ thống sông Hồng - Thái Bình đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, như phân bố nguồn nước không đều giữa mùa khô và mùa mưa; ô nhiễm nước dẫn đến chất lượng nước không bảo đảm; ảnh hưởng của các hồ chứa ở thượng lưu tác động đến bồi xói lòng, bờ bãi sông, bồi xói cửa sông và xâm nhập mặn vùng cửa sông; sự cạnh tranh trong sử dụng nước giữa các ngành, đặc biệt là giữa phát điện và sản xuất nông nghiệp…

Theo đó, hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng, với mục tiêu bám sát quan điểm nhất quán của Chính phủ về phát triển bền vững tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình. Tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp theo lưu vực sông, thống nhất về số lượng, chất lượng, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch của các ngành có khai thác, sử dụng nước, tôn trọng quy luật tự nhiên, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu, nâng cao giá trị của nước, bảo đảm an ninh tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Toàn cảnh hội thảo "Định hướng quản lý, khai thác, sử dụng phát triển bền vững tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình"

Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch, điều tra tài nguyên nước quốc gia chia sẻ, để có thể đảm bảo các mục tiêu quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng – sông Thái Bình đến năm 2030, một số chỉ tiêu cơ bản cần phải đạt được. Bao gồm: 60% vị trí duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông được giám sát tự động, trực tuyến và 40% còn lại được giám sát định kỳ; 100% nguồn nước liên tỉnh được công bố khả năng tiếp nhận nước thải, 100% công trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước được giám sát vận hành và kết nối theo quy định; 100% hồ, ao có chức năng điều hòa, có giá trị đa dạng sinh học cao được công bố; 70% nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và cắm mốc.

Quy hoạch tổng hợp sẽ đưa ra phân đoạn sông, phân vùng chức năng nguồn nước, mục đích sử dụng nước và mục tiêu chất lượng nước. Cũng như chỉ rõ các công trình điều tiết, khai thác, sử dụng phát triển tài nguyên nước thuộc quy mô cấp phép ở Trung ương và mạng giám sát tài nguyên nước, giám sát quy hoạch. Bên cạnh đó, quy hoạch đưa ra dự báo nhu cầu nước theo lưu vực và phân bổ cụ thể cho các ngành sử dụng.

Trong dịp này, các chuyên gia đã chia sẻ về nội dung cụ thể trong Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - sông Thái Bình; mô phỏng dòng chảy ngoài lãnh thổ Việt Nam trên hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình; nguồn nước ngầm của Hà Nội - giải pháp khai thác hợp lý bảo đảm cấp nước bền vững và an ninh nguồn nước Thủ đô; công nghệ và giải pháp khai thác thấm xuyên nước dưới đất; định hướng bảo vệ, phòng chống sạt lở bờ, bãi sông vùng đồng bằng sông Hồng…

Các đại biểu đã cùng thảo luận, đánh giá đầy đủ, toàn diện các vấn đề về bảo vệ, quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình nói chung và từng địa phương trong lưu vực nói riêng.

Tiếp thu các ý kiến, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết sẽ hoàn thiện Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý III/2022.

Linh Giang