Phát triển bền vững tài nguyên nước đồng bằng sông Cửu Long

Thứ hai, 23/5/2022 | 08:31 GMT+7
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức hội thảo “Định hướng quản lý, khai thác, sử dụng, phát triển bền vững tài nguyên nước đồng bằng sông Cửu Long” tại thành phố Cần Thơ.

Hội thảo nhằm bám sát nhất quán quan điểm của Đảng và Chính phủ về phát triển bền vững khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đó là lấy tài nguyên nước làm cốt lõi, tôn trọng quy luật tự nhiên, thân thiện với môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, ĐBSCL có vai trò vô cùng quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế quốc gia. Nước ta đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức do tác động của nước biển dâng, hoạt động khai thác, sử dụng nước gia tăng từ các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông.

Đặc biệt, nội tại khu vực ĐBSCL đang phải đối mặt với áp lực tăng dân số và phát triển kinh tế dẫn đến nhu cầu sử dụng nước gia tăng, nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông chưa gắn kết được với nhiệm vụ bảo vệ nguồn nước và sụt lún đất cùng với BĐKH.

Cần quản lý, khai thác, sử dụng, phát triển bền vững tài nguyên nước ĐBSCL

Nhận thức được các thách thức nêu trên, trong hơn một thập niên qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp, chương trình và dự án cụ thể nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực để thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL.

Tại hội thảo, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Cần Thơ đánh giá, nước là yếu tố quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, duy trì môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, BĐKH, xâm nhập mặn, hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng diễn ra gay gắt, đặc biệt vấn đề về tài nguyên nước xuyên biên giới lưu vực sông Mê Kông đã và đang đặt ra những thách thức lớn, tạo áp lực đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho vùng ĐBSCL, trong đó có thành phố Cần Thơ.

Do vậy, hội thảo là dịp để các cơ quan trao đổi, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm quý báu từ chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước về quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước, góp phần phát triển ĐBSCL ngày càng bền vững; phát triển thành phố Cần Thơ xứng tầm là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước, ông Dương Tấn Hiển nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở TN&MT thành phố Cần Thơ cho biết: “Để góp phần quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, trong thời gian tới, Sở TN&MT thành phố sẽ tiếp tục siết chặt việc cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; hạn chế tối đa việc khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố; đồng thời, mong muốn các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ nguồn lực quản lý tài nguyên nước cho thành phố; tăng cường quản lý tài nguyên nước theo hướng tổng hợp, bền vững, tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực và liên kết các địa phương trong vùng ĐBSCL”.

Tại hội thảo, đại diện Sở TN&MT một số địa phương vùng ĐBSCL cũng mong muốn, trong thời gian tới, các cơ quan Trung ương sớm triển khai dự án Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh để đảm bảo thống nhất trong quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên lưu vực sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, ban hành cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy các hoạt động và giải pháp cụ thể về quản lý tài nguyên nước theo hướng hợp tác liên vùng, xuyên biên giới; phát triển kinh tế trên cơ sở phát triển tài nguyên nước; đầu tư các hệ thống xử lý nước sạch và nước thải liên vùng; xây dựng bộ chỉ số tài nguyên nước phục vụ công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước cấp quốc gia, cấp vùng và địa phương…

Ngọc Mai